Quy định mới về chế độ, chính sách với cựu chiến binh từ ngày 1-4

Từ ngày 1-4, việc thực hiện chính sách đối với cựu chiến binh về chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí hay trợ cấp khi thôi làm công tác Hội có một số điểm mới.

NDĐT- Từ ngày 1-4, việc thực hiện chính sách đối với cựu chiến binh về chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí hay trợ cấp khi thôi làm công tác Hội có một số điểm mới.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2020/TT-LĐTBXH ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24-11-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12-12-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh về chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ mai táng phí và chế độ trợ cấp khi thôi làm công tác Hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 157/2016/NĐ-CP). Văn bản chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2020.

Cụ thể, chế độ BHYT đối với cựu chiến binh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trình tự xác định, quản lý và cấp thẻ BHYT đối với cựu chiến binh thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26-7-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Về chế độ mai táng phí đối với cựu chiến binh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP, cựu chiến binh khi từ trần, nếu không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Luật Bảo hiểm xã hội, người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí bằng mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

Hồ sơ, thủ tục xét hưởng chế độ mai táng phí đối với cựu chiến binh từ trần thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 39 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cũng theo Thông tư số 03/2020/TT-LĐTBXH, trợ cấp thôi công tác Hội đối với cựu chiến binh được bầu cử, tuyển dụng tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh và cựu chiến binh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã được tính như sau: Mỗi năm tham gia công tác Hội được hưởng trợ cấp một lần bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Đối với cựu chiến binh là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã, mức trợ cấp này được tính bằng 1/2 tháng phụ cấp hiện hưởng. Thời gian tính số năm công tác hưởng trợ cấp một lần là tổng thời gian từ khi có quyết định tham gia Hội đến khi có quyết định thôi công tác.

Kinh phí thực hiện chế độ chính sách quy định tại Thông tư này do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Tính đến năm 2019, Hội Cựu chiến binh Việt Nam có gần ba triệu hội viên sinh hoạt tại hơn 16 nghìn tổ chức hội cơ sở xã, phường, thị trấn và cơ quan Dân, Chính, Ðảng.

* Theo Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP

Cụ thể, cựu chiến binh thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT gồm

a) cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30-4-1975 trở về trước theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12-12-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 150/2006/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP .

b) cựu chiến binh tham gia kháng chiến sau ngày 30-4-1975 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP và tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24-11-2016, gồm:

- Quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây gọi tắt là Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 chuyên ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (không được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu hoặc chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

- Dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu sau ngày 30-4-1975 đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

PHƯƠNG CHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/43891402-quy-dinh-moi-ve-che-do-chinh-sach-voi-cuu-chien-binh-tu-ngay-1-4.html