Quy định mới về giá dịch vụ hàng không

Từ ngày 1/7, dịch vụ cung cấp đồ ăn, đồ uống tại sân bay như phở ăn liền, bánh mì, nước lọc, sữa hộp… kể cả dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam đều phải niêm yết công khai mức giá.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 13) quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Theo đó, từ ngày 1/7, đơn vị vận chuyển có tổng số tiền thanh toán hàng tháng các dịch vụ gồm cất, hạ cánh tàu bay, điều hành bay đi, đến sẽ được hưởng các mức ưu đãi tương ứng với số tiền trên hóa đơn thanh toán.

Cụ thể, đối với các dịch vụ cung cấp cho chuyến bay quốc tế, số tiền thanh toán từ trên 125.000 USD đến dưới 250.000 USD sẽ được giảm 1,5%. Từ 250.000 USD đến dưới 750.000 USD được hưởng mức giảm 2,5%. Từ 750.000 USD đến dưới 1,5 triệu USD được hưởng mức giảm 3,5%. Từ 1,5 triệu USD trở lên sẽ có mức giảm là 5%.

 Từ ngày 1/7, chi phí cất, hạ cánh tàu bay của các hãng hàng không sẽ được giảm giá tương ứng theo số tiền thanh toán.

Từ ngày 1/7, chi phí cất, hạ cánh tàu bay của các hãng hàng không sẽ được giảm giá tương ứng theo số tiền thanh toán.

Đối với các dịch vụ cung cấp cho chuyến bay nội địa, hóa đơn thanh toán trên 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng sẽ được hưởng ưu đãi 1,5%. Từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng sẽ được giảm 2,5%. Từ 15 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng được giảm 3,5%. Từ 30 tỷ đồng trở lên sẽ được giảm 5%.

Đối với hoạt động bay đào tạo, huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại) tại Việt Nam, sẽ không thu tiền sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến và cất cánh, hạ cánh tàu bay trong 36 tháng đầu kể từ ngày cơ sở đào tạo thực hiện chuyến bay đào tạo, huấn luyện phi công đầu tiên.

Đặc biệt, đối với hãng hàng không Việt Nam lần đầu tham gia khai thác thị trường hàng không sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi, đến do Bộ GTVT định mức giá. Thời hạn áp dụng trong 36 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Thông tư 13 cũng quy định, hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ đi, đến Việt Nam tại thời điểm không có hãng nào khai thác thường lệ cũng được hưởng chính sách ưu đãi.

Theo đó, áp dụng mức giá bằng 90% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi, đến do Bộ Giao thông vận tải định mức giá tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, thời hạn áp dụng 12 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác. Tại các cảng hàng không khác sẽ áp dụng mức giá bằng 50% trong 24 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

 Giá các dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không sân bay cũng phải niêm yết công khai.

Giá các dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không sân bay cũng phải niêm yết công khai.

Tại Thông tư 13, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cảng hàng không phải kê khai, niêm yết giá các dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không sân bay gồm cung cấp đồ ăn, đồ uống là hàng hóa nội địa (phở ăn liền, mỳ ăn liền, miến ăn liền, cháo ăn liền, bánh mì không bổ sung thêm thực phẩm; nước lọc đóng chai có dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 500 ml; sữa hộp các loại có dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 180ml).

Các đơn vị cũng phải niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản trong lãnh thổ Việt Nam.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết giá vé máy bay được cấu thành bởi 4 yếu tố gồm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa, thuế giá trị gia tăng (VAT), các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh (gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý) và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm theo nhu cầu (chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch... do hãng quyết định).

Võ Chí Kiên

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quy-dinh-moi-ve-gia-dich-vu-hang-khong-88803.html