Quy định mới về kê đơn thuốc: thêm thời gian, giảm phiền hà
Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30/6/2025 mở ra bước ngoặt quan trọng trong việc kê đơn điều trị ngoại trú cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là quy định cho phép bác sĩ được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với một số bệnh mạn tính. Đây là thay đổi được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đi lại, chi phí và thủ tục cho người bệnh, đồng thời góp phần cải thiện hiệu quả điều trị liên tục và ổn định trong dài hạn.
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, việc ban hành quy định mới này là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, xuất phát từ thực tiễn điều trị lâu dài. Ông cho biết, sau giai đoạn đại dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất điều chỉnh quy định để giảm thiểu áp lực thủ tục và chi phí cho bệnh nhân. Việc người bệnh phải quay lại bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù tình trạng sức khỏe đã ổn định, vừa gây phiền toái, vừa góp phần làm gia tăng tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, trong khi nhu cầu can thiệp y tế thực tế không thay đổi.
Mặc dù có nhiều lợi ích, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại, hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí.
Tuy nhiên, quy định mới không được áp dụng một cách đại trà. Bác sĩ sẽ chỉ kê đơn 90 ngày khi đánh giá người bệnh có tình trạng ổn định, tiên lượng tốt và đủ điều kiện để sử dụng thuốc dài hạn một cách an toàn.
Ông Vương Ánh Dương cũng cho biết, các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là ở vùng sâu vùng xa, có thể đối mặt với khó khăn về đảm bảo nguồn thuốc, đặc biệt với số lượng thuốc mỗi lần tăng gấp ba. Song theo ông, điều này không quá đáng lo ngại, vì danh mục các bệnh được phép kê đơn dài hạn chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến với nhiều loại thuốc thay thế, trong khi các bệnh phức tạp như ung thư, huyết học vẫn điều trị tại tuyến trên.

ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai
Đồng quan điểm về tính tích cực của thay đổi, ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, bác sĩ được phép kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với các bệnh mạn tính nằm trong danh mục 252 bệnh, điều này giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, giảm số lần đi lại, đỡ tốn thời gian và công sức – đặc biệt là những bệnh nhân ở xa hoặc có sức khỏe yếu. Người hưởng lợi trực tiếp nhất chính là người bệnh.
BS Trần Thái Sơn nhấn mạnh, quyền kê đơn dài ngày cần được cá thể hóa, nghĩa là bác sĩ không nên áp dụng cứng nhắc mà phải dựa vào từng trường hợp cụ thể, đảm bảo vừa đáp ứng điều trị hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế và chính người bệnh.
Để thực thi hiệu quả, Bệnh viện Bạch Mai đã tích hợp nội dung Thông tư vào phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, đồng thời tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ khám ngoại trú. Việc giám sát chất lượng kê đơn cũng được thực hiện chặt chẽ thông qua việc cập nhật đầy đủ quy định của Bộ Y tế, tổ chức đào tạo định kỳ, rà soát thuốc mua sắm và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý có chức năng cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn đến việc đánh giá định kỳ, bình đơn thuốc hàng tuần để phát hiện bất cập và điều chỉnh kịp thời.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
Từ góc độ điều trị chuyên khoa, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc kê đơn dài ngày đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm bệnh nhân mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân nội tiết. Những bệnh nhân này thường là người già, sống phụ thuộc, có thu nhập thấp, và thường mắc nhiều bệnh đồng mắc, khả năng đi lại hạn chế. Vì vậy, việc kê đơn thuốc dài ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm số lần và thời gian đi đến bệnh viện, phòng khám; tiết kiệm chi phí đi lại; hạn chế nguồn lây nhiễm; hạn chế ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, thời tiết xấu; và đơn thuốc ổn định sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Quang Bảy cũng cảnh báo, với các đơn thuốc dài ngày, người bệnh cần đặc biệt lưu ý trong quá trình sử dụng. Trước hết, họ cần đọc kỹ đơn thuốc và trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có điều gì chưa rõ. Tiếp đó là việc bảo quản thuốc đúng cách, tránh nhầm lẫn khi có nhiều loại thuốc trong nhà, nhất là với những gia đình có nhiều người mắc bệnh mạn tính. Với một số thuốc đặc biệt như insulin, cần bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, việc tuân thủ thời gian uống thuốc, theo dõi các chỉ số sức khỏe như huyết áp, đường huyết tại nhà, và liên hệ ngay với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường là những yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Ông cũng lưu ý thêm, người bệnh không nên đợi đến đủ 60 hay 90 ngày mới tái khám nếu có triệu chứng bất thường. Người bệnh nên chủ động đặt lịch khám trước 3-5 ngày qua số hotline hoặc ứng dụng khám bệnh của các bệnh viện để tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong việc khám chữa bệnh.