Trước tháng 10, các bệnh viện phải kê đơn thuốc điện tử
Theo quy định mới, trước ngày 1/10, tất cả bệnh viện trên cả nước phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử; các cơ sở khám chữa bệnh khác phải thực hiện trước ngày 1/1/2026.
Sau nhiều lần lùi hạn, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế "chốt" thời hạn các cơ sở khám chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10; tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác cũng phải bắt buộc thực hiện từ ngày 1/1/2026.
Đơn thuốc kê bằng hình thức điện tử được hiểu là được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ, lưu trữ bằng phương thức điện tử, có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Đơn thuốc điện tử là một phần trong bệnh án điện tử. Nhiều bệnh viện hiện vẫn kê đơn thuốc viết tay, nhiều chữ bác sĩ vẫn "đánh đố" bệnh nhân. Thậm chí, một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử nhưng vẫn sử dụng song song bệnh án giấy, kê đơn thuốc ngoại trú vào sổ khám bệnh bằng chữ viết tay.

Không chỉ kê đơn thuốc điện tử, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) còn triển khai chữ ký số của người bệnh trên đơn thuốc.
Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1/7, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám, điều trị cho người bệnh ngoại trú hoặc điều trị nội trú.
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi triển khai kê đơn thuốc điện tử, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn – tất cả đều có thể theo dõi được. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Việc kết nối liên thông giữa Hệ thống kê đơn thuốc điện tử và Hệ thống Quản lý Dược quốc gia là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng thuốc. Khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định hoặc bán thuốc khi không có đơn.
Đối với người dân, việc sử dụng mã QR trên đơn thuốc điện tử giúp dễ dàng tra cứu thông tin về loại thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng và lịch sử điều trị. Đây là một công cụ hữu ích, giúp người bệnh chủ động theo dõi quá trình dùng thuốc của mình, góp phần tăng tính minh bạch và an toàn trong sử dụng thuốc.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/truoc-thang-10-cac-benh-vien-phai-ke-don-thuoc-dien-tu-i773829/