Quy định mới về nguồn kinh phí dành cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật
Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính đã có các quy định cụ thể về các nguồn kinh phí xây dựng tiểu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật. Thông tư đã bao quát được đầy đủ các nguồn kinh phí phát sinh trong thực tiễn.
Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 17/7/2009, Liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT). Qua hơn 10 năm thực hiện, cơ chế quản lý tài chính này đã giúp công tác quản lý nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT được tiết kiệm và hiệu quả, qua đó đã góp phần nâng cao số lượng các TCVN được công bố, các QCKT được ban hành hằng năm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này cho thấy, một số những hạn chế, bất cập cần sửa đổi bổ sung để hoàn thiện và phù hợp với tình hình mới. Từ đó, dưới sự phối hợp của Bộ KH&CN, ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT.
Một trong những nội dung được chú ý tại Thông tư số 27/2020/TT-BTC là vấn đề nguồn kinh phí xây dựng TCVN, QCKT. Theo đó, Thông tư số 27/2020/TT-BTC quy định, kinh phí xây dựng TCVN, QCKT gồm 3 nguồn: (i) Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp hiện hành; (ii) Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân khác; (iii) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư số 27/2020/TT-BTC cũng nêu rõ các nguyên tắc nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCKT. Theo đó, công tác quản lý, xây dựng TCVN, QCKT là nhiệm vụ theo chức năng của các Bộ, ngành, địa phương được cấp có thẩm quyền quy định.
Trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng TCVN, QCKT trong năm, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch, rà soát, chuyển đổi, xây dựng, thẩm định TCVN, QCKT cho phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ.
Thông tư số 27/2020/TT-BTC đã bao quát được đầy đủ các nguồn kinh phí phát sinh trong thực tiễn, trong đó có giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật.
Đối với các khoản kinh phí tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân phục vụ cho việc xây dựng TCVN, QCKT thực hiện theo thỏa thuận với nhà tài trợ, hỗ trợ; trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể với nhà tài trợ, hỗ trợ thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Nhận định về vấn đề huy động nguồn kinh phí dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT đã nêu trong Thông tư số 27/2020/TT-BTC, các chuyên gia cho rằng, Thông tư đã bao quát được đầy đủ các nguồn kinh phí phát sinh trong thực tiễn, trong đó có giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT.
Bên cạnh quy định về nguồn kinh phí dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCKT nêu trên, Thông tư số 27/2020/TT-BTC cũng đã cập nhật đầy đủ các nội dung chi hoạt động xây dựng TCVN, QCKT mới phát sinh trong thực tiễn cũng như phù hợp với quy định mới về hoạt động xây dựng TCVN, QCVN hiện nay.
Cụ thể, Thông tư số 27/2020/TT-BTC đã bổ sung nội dung chi thực hiện hoạt động nghiên cứu, đánh giá thực trạng phục vụ cho công tác xây dựng TCVN, QCKT; bổ sung được các nội dung chi liên quan đến hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Ban biên soạn quy chuẩn kỹ thuật; quy định cụ thể những nội dung chi như chi xin ý kiến đối với dự thảo TCVN, QCVN…
Bên cạnh đó, các quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BTC cho thấy, các định mức chi đã được điều chỉnh tăng từ 65% đến 100% so với định mức chi cũ nhằm bù đắp chi phi thực tế phát sinh, qua đó thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động xây dựng TCVN, QCVN.
Ngoài ra, tại Thông tư số 27/2020/TT-BTC, quy định về lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCVN đã được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Thông tư số 27/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/6/2020. Đối với dự án xây dựng TCVN và QCKT đã được phê duyệt dự toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/7/2009 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN và QCKT trước ngày hiệu lực của Thông tư này thì tiếp tục thực hiện theo dự toán đã được duyệt.