Quy định mới về tách, hợp thửa đất phù hợp với Luật Đất đai 2024 và thực tiễn tại Lâm Đồng
Quyết định 27 ngày 30/9/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10 và thay thế Quyết định 51 ngày 18/8/2023 quy định về nội dung này.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trãi - Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về những điều chỉnh và điểm mới của quy định này.
Phóng viên: Quyết định 27 của UBND tỉnh đưa ra một số quy định mới về tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng dựa trên những cơ sở pháp lý và thực tiễn tại địa phương như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Trãi: Về cơ sở pháp lý, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất mà chỉ giao UBND tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để thực hiện.
Còn theo Luật Đất đai 2024 thì có quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất tại Điều 220. Do đó, Quyết định số 27 được xây dựng trên cơ sở các nội dung được quy định tại Điều 220 của Luật Đất đai 2024.
Về cơ sở thực tiễn tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khi triển khai áp dụng điều kiện, diện tích tách, hợp thửa đất tại Quyết định 51, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy không phát sinh bất cập, vướng mắc. Vì vậy, ngoài quy định tại Điều 220 của Luật Đất đai 2024 thì hầu hết điều kiện, diện tích tách, hợp thửa đất tại Quyết định 27 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Quyết định 51 của UBND tỉnh và một số điều kiện khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trước đó, trong quá trình xây dựng quy định mới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương. Từ thực tiễn giải quyết thủ tục tách, hợp thửa đất và ý kiến của các sở, ngành và các huyện, thành phố, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 27 quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Như ông đã nói, Quyết định 27 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Quyết định 51 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, phải có những điều chỉnh và bổ sung quy định mới cho phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tiễn địa phương, vậy đó là những điều chỉnh và quy định mới nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Trãi: Có 2 điều chỉnh của Quyết định 27 so với Quyết định số 51. Điểm điều chỉnh thứ nhất là trường hợp đất có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đất có thông báo thu hồi đất thì phần diện tích, ranh giới còn lại của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất.
Còn trước đây theo Quyết định 51 thì thửa đất có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì toàn bộ diện tích thuộc thửa đất không được thực hiện tách, hợp thửa.
Điểm điều chỉnh thứ 2 là việc xác định dạng kiến trúc nhà ở khi thực hiện tách, hợp thửa đất. Cụ thể, trường hợp dạng kiến trúc nhà ở tại chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn khác với quy hoạch phân khu thì dạng kiến trúc nhà ở áp dụng theo quy hoạch phân khu.
Trong khi đó theo Quyết định 51, nếu dạng kiến trúc nhà ở tại chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng hoặc quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn khác với quy hoạch phân khu thì không áp dụng theo quy hoạch phân khu.
Về điểm mới, thứ nhất là Quyết định 27 được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 220 của Luật Đất đai 2024. Trong khi đó, so với Quyết định 51 được ban hành, áp dụng theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời điểm này, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể các nguyên tắc và điều kiện tách, hợp thửa đất.
Điểm mới thứ 2 là thửa đất sau khi tách, hợp thửa phải đảm bảo tiếp giáp lối đi, lối đi này được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có.
Điểm mới thứ 3 là trường hợp tách, hợp thửa đất có hình thành lối đi thì cơ quan giải quyết thủ tục tách, hợp thửa (cụ thể là Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai) có trách nhiệm gửi văn bản lấy ý kiến của UBND cấp huyện để được xác định điều kiện về lối đi, cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 220 của Luật Đất đai 2024.
Sau khi nhận được văn bản lấy ý kiến, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn có văn bản trả lời cơ quan giải quyết thủ tục tách, hợp thửa. Việc phối hợp lấy ý kiến và có ý kiến sẽ thực hiện theo quy chế phối hợp làm việc của UBND tỉnh ban hành.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh bổ sung nội dung này vào quy chế phối hợp, trước đây đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 19/1/2017.
Phóng viên:Xin cám ơn ông!
Xem chi tiết nội dung Quyết định 27 tại đây.