Quy định mới xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt

Từ ngày 28-7, Nghị định 31/2023/NĐ-CP ngày 9-6-2023 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực trồng trọt (gọi tắt Nghị định 31) sẽ chính thức có hiệu lực.

Việc thu gom phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch phải tuân thủ đúng quy định, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Nông dân xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.Phú

Việc thu gom phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch phải tuân thủ đúng quy định, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Nông dân xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.Phú

Nghị định 31 quy định về hành vi VPHC, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt VPHC theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt.

* Nhiều nét mới

Theo Nghị định 31, các hành vi: sử dụng giống cây trồng, sản xuất giống cây trồng, buôn bán phân bón, xử lý phụ phẩm… không đúng quy định sẽ bị chế tài.

Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng, Nghị định 31 quy định phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Theo đó, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính nhằm mục đích buôn bán nhưng chưa tự công bố lưu hành hoặc chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc quyết định công nhận giống cây trồng mới hoặc quyết định công nhận đặc cách hoặc chưa được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng đã tự công bố lưu hành hoặc đã có quyết định công nhận lưu hành hoặc quyết định công nhận giống cây trồng mới.

Với hành vi vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, Nghị định 31 quy định phạt tiền từ 3-50 triệu đồng. Theo đó, phạt từ 3-5 triệu đồng đối với trường hợp: buôn bán giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính mà không có thông tin tự công bố lưu hành giống cây trồng hợp lệ theo quy định của pháp luật về trồng trọt; buôn bán giống cây trồng nhưng không thông báo cho Sở NN-PTNT nơi buôn bán giống cây trồng những thông tin về địa chỉ giao dịch, tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, một nét mới đáng chú ý là khi Nghị định 31 có hiệu lực thì các hành vi VPHC về trồng trọt xảy ra trước ngày Nghị định 31 có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì không áp dụng Nghị định 31 xử phạt, mà áp dụng các nghị định khác xử phạt. Trường hợp Nghị định 31 không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định 31 để xử lý.

* Quy định mức phạt tương xứng với hành vi

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) nhận xét, việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực trồng trọt gồm giống cây trồng và phân bón được Nghị định 31 quy định khá cụ thể từng hành vi và mức phạt tương xứng.

“Nghị định 31 quy định khá cụ thể các hành vi VPHC trong lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, có nhiều hành vi mà nông dân rất dễ vi phạm nếu không nắm chắc quy định như: vi phạm về thu gom phụ phẩm cây trồng, vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng… Do đó, trong thời gian tới, Hội Luật gia tỉnh sẽ chú trọng tuyên truyền các quy định mới của Nghị định 31 trong các buổi tuyên truyền pháp luật để đông đảo người dân hiểu, tránh vi phạm” - luật gia VÒNG KHIỀNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết.

Chẳng hạn, Nghị định 31 tiếp tục chế tài cụ thể hơn các hành vi vi phạm về khảo nghiệm giống cây trồng (bị phạt từ 3-50 triệu đồng); vi phạm quy định về kiểm định ruộng giống bị phạt từ 3-20 triệu đồng; vi phạm quy định về xuất khẩu giống cây trồng bị phạt từ 10-50 triệu đồng; vi phạm quy định về nhập khẩu giống cây trồng bị phạt từ 3-50 triệu đồng; vi phạm quy định về sản xuất phân bón bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5-100 triệu đồng…

Bên cạnh đó, Nghị định 31 có 2 quy định đáng chú ý gồm: vi phạm về thu gom phụ phẩm cây trồng (Điều 19) và hành vi vi phạm về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước (Điều 20).

Luật gia Vòng Khiềng phân tích, Nghị định 31 bắt buộc nhà nông phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xử lý phụ phẩm cây trồng và việc thu gom, phân loại xử lý đó phải đảm bảo theo mục đích sử dụng; không để lẫn với hóa chất, bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tạp chất vô cơ khác trong quá trình thu gom, vận chuyển. Đồng thời, việc thu gom, vận chuyển phụ phẩm cây trồng không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực canh tác, giao thông; không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

Theo đó, nông dân có thể thu gom phụ phẩm cây trồng theo hình thức: cày vùi hoặc phay; ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống; vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng; che phủ đất; phơi khô… Nếu trong quá trình sản xuất, canh tác, trồng trọt không thu gom phụ phẩm cây trồng; hoặc thu gom, vận chuyển phụ phẩm cây trồng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thông thì bị phạt cảnh cáo hoặc tiền tới 5 triệu đồng theo Điều 19 Nghị định 31.

Riêng với hành vi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt, nhưng không có phương án sử dụng tầng đất mặt; xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước có tác động đến tầng đất mặt, nhưng không bóc riêng tầng đất mặt theo phương án sử dụng tầng đất mặt là vi phạm Điều 20 Nghị định 31.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/quy-dinh-moi-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-ve-trong-trot-3171430/