Quy định pháp luật về công ty đại chúng tại một số quốc gia và Việt Nam

Công ty đại chúng là một chủ thể quan trọng của thị trường chứng khoán (TTCK). Chính vì vậy, việc xây dựng chế định pháp lý về công ty đại chúng luôn là một trong những nội dung cốt lõi trong công tác xây dựng pháp luật về chứng khoán và TTCK của mỗi quốc gia. Với bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến chế định công ty đại chúng tại một số quốc gia cũng như tại Việt Nam. Từ đó chỉ ra những bất cập và kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về công ty đại chúng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy định về công ty đại chúng trong pháp luật của một số quốc gia

Trong bối cảnh TTCK ngày càng phát triển, các công ty cổ phần (CTCP) cũng có sự phân hóa rõ nét về nhiều mặt, từ quy mô vốn, số lượng chủ sở hữu đến cách thức vận hành.

Chính vì lẽ đó, các học giả phương Tây đã nghiên cứu và phân chia CTCP thành 2 trạng thái pháp lý: (i) công ty nội bộ/công ty tư nhân (private company hay held privately held corporation); và (ii) công ty đại chúng (public limited company ở Anh hay Public Corporation ở Mỹ). Đây cũng là cách phân chia phổ biến hiện nay được các quốc gia chấp nhận và luật hóa.

Dưới góc độ lý luận, giới học thuật đã có nhiều định nghĩa về công ty đại chúng. Bryan A. Garner, tác giả của cuốn đại từ điển luật nổi tiếng Black Law Dictionary định nghĩa công ty đại chúng là CTCP có cổ phiếu được chào bán ra công chúng và thực hiện giao dịch công khai trên TTCK.

Theo từ điển The Oxford Modern English, thuật ngữ công ty đại chúng được giải thích cũng tương đối ngắn gọn dựa vào động thái chào bán cổ phiếu của công ty, cụ thể, “công ty đại chúng là công ty bán cổ phiếu của mình cho tất cả những người mua trên TTCK”.

Như vậy, cả 2 cách giải thích về thuật ngữ công ty đại chúng nêu trên đều cho thấy tiêu chí để xác định công ty đại chúng là dựa vào phạm vi chào bán cổ phiếu của CTCP cho các nhà đầu tư. Tính đại chúng được thể hiện thông qua việc CTCP đã chấp nhận chào đón sự tham gia của công chúng vào hàng ngũ chủ sở hữu công ty thông qua hành vi chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Dưới góc độ pháp luật thực định của các quốc gia, việc đưa ra các tiêu chí nhận dạng công ty đại chúng cũng không hoàn toàn giống nhau:

Theo pháp luật Mỹ, việc thành lập và hoạt động của các CTCP được điều chỉnh bởi luật pháp của các tiểu bang và có thể không giống nhau. Mặc dù vậy, vấn đề phân chia các trạng thái pháp lý của CTCP đều dựa vào tiêu chí về cấu trúc cổ đông.

Theo đó, công ty đại chúng có tên gọi C Corporation nhằm phân biệt với S Corporation - hình thức công ty có tính chất nội bộ. Cơ cấu cổ đông của S Corporation bị ràng buộc bởi những giới hạn như: (1) công ty chỉ được phát hành loại cổ phần duy nhất; (2) số lượng cổ đông không vượt quá 100; (3) cổ đông phải là cá nhân và là công dân Mỹ.

Những giới hạn này không áp dụng đối với C Corporation. Điều này đồng nghĩa một CTCP có cơ cấu cổ đông muốn vượt qua những giới hạn vừa nêu phải đăng ký hoạt động dưới tư cách là một công ty đại chúng. Theo thống kê thì đa phần các CTCP tại Mỹ đều được tổ chức dưới hình thức C Corporation.

Tuy vậy, không phải C Corporation nào cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán và đặt dưới sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK. Theo quy định của Đạo luật Chứng khoán Mỹ năm 1934, các công ty có tài sản từ 10 triệu USD và 500 cổ đông trở lên sẽ phải làm thủ tục đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Mỹ theo quy định của Đạo luật này.

Theo luật công ty tại Anh (the Companies Act 2006), công ty đại chúng được gọi là public limited company (viết tắt là Plc) để phân biệt với công ty tư nhân hay gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn theo cổ phần (private limited company). Các nhà làm luật nước này đặt ra rất nhiều quy định điều chỉnh việc xác lập tư cách công ty đại chúng.

Theo đó, công ty muốn được xác lập tư cách công ty đại chúng phải đáp ứng nhiều điều kiện luật định như: (1) vốn cổ phần danh nghĩa không được thấp hơn 50.000 Bảng Anh hoặc giá trị tương đương; (2) giá trị tài sản ròng được ghi nhận trong sổ sách kế toán được kiểm toán, vào thời điểm trong vòng 6 tháng trở lại tính từ ngày đăng ký, không được thấp hơn giá trị vốn cổ phần danh nghĩa và các khoản lợi nhuận chưa phân phối; (3) cùng một số điều kiện khác về thủ tục pháp lý.

Công ty tư nhân tại Anh không được quyền huy động vốn thông qua hoạt động chào báo cổ phiếu ra công chúng, đồng thời cổ phiếu của công ty tư nhân cũng không được giao dịch rộng rãi trên TTCK.

Nếu muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì phải cam kết thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng trong một khoảng thời gian là 6 tháng kể từ thời điểm chào bán cổ phiếu ra công chúng. Như vậy, việc cam kết trở thành công ty đại chúng dường như là một trong những điều kiện để một công ty tư nhân chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tại Úc, Điều 112 Đạo luật Công ty của quốc gia này (the Corporations Act 2001) quy định theo hướng cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức công ty sở hữu tư nhân/nội bộ (proprietary company) hoặc công ty đại chúng (public company).

Các công ty nội bộ thường có quy mô nhỏ và số lượng chủ sở hữu tối đa không quá 50 cổ đông không phải là người lao động trong công ty (non-employee shareholders), trong khi đó, các công ty đại chúng thì không bị hạn chế số lượng cổ đông. Đồng thời, chỉ công ty đại chúng mới có quyền huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Hoạt động phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc niêm yết cổ phiếu trên TTCK của công ty đại chúng cũng phải tuân thủ thêm các điều kiện của pháp luật về chứng khoán tại nước này nhằm mục đích bảo vệ các cổ đông đại chúng cũng như đảm bảo sự lành mạnh trong hoạt động của TTCK.

Luật Chứng khoán Bungary năm 1999 (Điều 110) quy định: “công ty đại chúng là công ty đã phát hành cổ phần theo các điều kiện của việc phát hành ra công chúng lần đầu hoặc đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán về việc phát hành chứng khoán với mục đích tham gia giao dịch tại TTCK được quản lý”.

Hay Luật Chứng khoán Ba Lan (Khoản 4 Điều 4) quy định: “công ty đại chúng là công ty có cổ phiếu của ít nhất một lần phát hành được chấp thuận cho giao dịch nơi công chúng”. Với cách quy định này, nhà làm luật không đưa các điều kiện về vốn, số lượng cổ đông vào khái niệm công ty đại chúng mà gián tiếp thông qua các điều kiện về chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Thông qua những phân tích trên, có thể nhận thấy, từ góc độ lý luận đến quy định trong pháp luật thực định của các quốc gia, tiêu chí xác định công ty đại chúng có thể không hoàn toàn giống nhau nhưng đều xoay quanh một vài tiêu chí cốt lõi.

Cụ thể, pháp luật các nước đều đề cập đến hai khía cạnh: (i) Khả năng công chúng có thể trở thành chủ sở hữu của công ty thông qua hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng; (ii) Mức độ tự do chuyển nhượng cổ phiếu công ty của các nhà đầu tư là chủ sở hữu hiện hữu với những nhà đầu tư tiềm năng thông qua việc công ty có niêm yết cổ phiếu trên TTCK có tổ chức hay không.

Bên cạnh đó, quy mô vốn và số lượng cổ đông cũng được quan tâm, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này đảm bảo rằng công ty đại chúng phải là những công ty đủ tiềm lực để tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn về quản trị, tuân thủ và trách nhiệm giải trình so với các công ty tư nhân/nội bộ.

Việc xác lập trạng thái pháp lý là công ty đại chúng như là một điều kiện được đặt ra để các CTCP tiếp cận nguồn vốn trong phạm vi rộng lớn, không giới hạn từ công chúng. Vì vậy, chế định về công ty đại chúng như một công cụ để các nhà quản lý định hướng cho các CTCP trong chiến lược phát triển, mở rộng quy mô.

Đồng thời, đây cũng là công cụ để nhà nước bảo vệ công chúng đầu tư, bảo vệ sự lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững của thị trường vốn. Thông lệ quốc tế cho thấy, việc xác lập tư cách công ty đại chúng là mong muốn tất yếu của rất nhiều CTCP vì nó mở ra nhiều cơ hội lớn cho việc phát triển nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của TTCK.

Thực trạng quy định pháp luật về công ty đại chúng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm về “công ty đại chúng” xuất hiện khá trễ. Mãi đến năm 2006, khi Luật Chứng khoán được thông qua thì các nhà làm luật mới bắt đầu thiết lập cơ chế pháp lý riêng biệt để điều chỉnh hoạt động của công ty đại chúng.

Theo Khoản 1, Điều 25 của Luật Chứng khoán năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì một CTCP được xem là công ty đại chúng nếu đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện sau: (1) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (2) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK); (3) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Trường hợp (1) và (2), việc xác lập trạng thái công ty đại chúng là tự động, còn trường hợp (3) thì phải thông qua thủ tục đăng ký công ty đại chúng.

Theo quy định hiện hành, ở Việt Nam tồn tại 3 tiêu chí để xác lập trạng thái pháp lý của một CTCP là công ty đại chúng. Có vẻ như đây là sự tổng hợp các cách quy định từ nhiều quốc gia khác nhau.

Luận giải quy định này có thể hiểu được rằng các nhà làm luật xác định tính đại chúng của một CTCP dựa vào ba tiêu chí: thứ nhất, hoạt động gọi vốn từ công chúng; thứ hai, sự tham gia của công chúng vào việc trao đổi, mua bán cổ phần của công ty; thứ ba, ngưỡng quy mô (vốn điều lệ và cổ đông) xác định ranh giới nội bộ và đại chúng của CTCP. Mục đích chính của quy định rõ ràng hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên TTCK.

Tuy nhiên, với thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán trong suốt hơn một thập kỷ qua, đã phát sinh nhiều bất cập cần phải giải quyết.

Thứ nhất, việc quy định 3 trường hợp dùng để xác định công ty đại chúng là không cần thiết và tạo nên sự trùng lặp trong kỹ thuật lập pháp. Theo quy định hiện nay về niêm yết cổ phiếu tại các SGDCK, điều kiện để niêm yết tại SGDCK đã bao hàm cả tiêu chí về số lượng cổ đông và quy mô vốn điều lệ thực góp.

Cụ thể, công ty niêm yết (CTNY) tại SGDCK Thành phố Hồ Chí Minh phải đạt số vốn tối thiểu là 120 tỷ đồng và có nhiều hơn 300 cổ đông, còn niêm yết tại SGDCK Hà Nội thì điều kiện tương ứng phải 30 tỷ đồng và nhiều hơn 100 cổ đông (ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước - DNNN thực hiện cổ phần hóa).

Như vậy, trước khi tiến hành niêm yết cổ phiếu tại SGDCK, các CTNY đã đáp ứng điều kiện của trường hợp (3). Nói cách khác, trước khi một CTCP trở thành CTNY, công ty này đã phải là công ty đại chúng vì rơi vào trường hợp (3) theo quy định của Điều 25 Luật Chứng khoán hiện hành.

Thứ hai, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán thì công ty đại chúng ít nhất phải có 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tiêu chí này lại không được áp dụng đối với hai trường hợp còn lại: (1) CTCP đã chào bán cổ phiếu ra công chúng; (2) CTCP đang niêm yết cổ phiếu tại SGDCK.

Rõ ràng tồn tại sự không thống nhất trong tiêu chí xác định công ty đại chúng dẫn đến nhiều hệ quả. Trên thực tế, có nhiều công ty đại chúng có dưới 100 cổ đông. Đây là những trường hợp CTCP sau khi chào bán cổ phiếu ra công chúng nhưng không thu hút được sự ủng hộ của các nhà đầu tư.

Dẫn đến câu chuyện nhiều CTCP dù mang danh công ty đại chúng nhưng mang bản chất là của CTCP nội bộ. Những trường hợp này tạo nên nhiều sự lãng phí vì các công ty này phải tuân thủ hàng loạt các nghĩa vụ của công ty đại chúng với chi phí tuân thủ không hề nhỏ.

Hay có những trường hợp, CTCP trở thành công ty đại chúng do vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng cùng với số lượng cổ đông trên 100 nhưng hoàn toàn không mang tính đại chúng. Bởi trong số 100 cổ đông đó có hơn một nửa là người lao động của công ty và chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu chưa tới 5% vốn điều lệ. Tác giả cho rằng, trường hợp này không cần thiết phải đặt CTCP này dưới sự điều chỉnh của chế định về công ty đại chúng.

Thứ ba, chủ thể quản lý, giám sát công ty đại chúng chưa có sự thống nhất hay thiếu cơ chế phối hợp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán hiện hành, hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng của DNNN để chuyển đổi thành CTCP không cần phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và được thực hiện theo pháp luật về cổ phần hóa.

Điều này đồng nghĩa với việc sau khi chào bán cổ phiếu ra công chúng, nếu các công ty này không đủ 100 cổ đông hoặc có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng không chịu sự quản lý, giám sát của UBCKNN vì UBCKNN không có dữ liệu để giám sát, kiểm soát đối tượng này.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng không có cơ chế liên kết, phối hợp trong việc quản lý, giám sát đối tượng này giữa chủ thể có thẩm quyền với UBCKNN. Điều này phần nào cản trở công tác bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hoạt động cổ phần hóa DNNN.

Thứ tư, quy định về hủy đăng ký CTNY chưa đầy đủ. Nghị định 58/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 60/2015/NĐ-CP chỉ mới quy định điều kiện và cách thức hủy công ty đại chúng đối với trường hợp công ty đại chúng được xác lập tư cách thông qua đăng ký.

Đối với hai trường hợp còn lại hiện tại không có cơ chế để hủy đăng ký công ty đại chúng hay hủy tư cách công ty đại chúng. Điều này gây nên nhiều khó khăn cho các công ty đại chúng khi không còn mang tính đại chúng hoặc muốn quay về hoạt động dưới trạng thái công ty nội bộ.

Thứ năm, vấn đề bảo vệ quyền lợi cổ đông chưa đặt quy định trong trường hợp hủy đăng ký công ty đại chúng. Rõ ràng việc hủy đăng ký công ty đại chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ.

Lúc này, cơ chế thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần sẽ khó khăn hơn, vấn đề kiểm soát, giám sát tính minh bạch, công khai cũng phiền phức hơn rất nhiều. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành hoàn toàn bỏ ngỏ các biện pháp cần thiết để các cổ đông bảo vệ quyền lợi của họ trong trường hợp này.

Với những điều bất cập vừa nêu, tác giả cho rằng chế định về công ty đại chúng cần có những sửa đổi như sau:

Một là, tiêu chí về xác lập tư cách công ty đại chúng cần phải xây dựng lại. Theo đó, CTCP sẽ trở thành công ty đại chúng nếu đáp ứng hai điều kiện: (1) đã thực hiện việc chào bán cổ phiếu ra công chúng; (2) cân nhắc mức vốn điều lệ đã góp tối thiểu lớn hơn mức 10 tỷ đồng (theo quy định hiện hành) và số lượng cổ đông tối thiểu 100, không kể những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Việc kết hợp hai tiêu chí này đảm bảo được tính đại chúng đối với một công ty đại chúng vì vừa đảm bảo tính mở trong cơ chế gọi vốn vừa đảm bảo sự tham gia của công chúng là thực chất.

Điều này cũng sẽ giải quyết được bất cập về cơ chế hủy công ty đại chúng hiện nay. Bên cạnh đó, cần quy định việc đăng ký công ty đại chúng (nếu đủ điều kiện) sẽ được thực hiện đồng thời với thủ tục báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Hai là đối với hoạt động cổ phần hóa DNNN thông qua thủ tục chào bán cổ phiếu ra công chúng, các nhà làm luật cần bổ sung cơ chế báo cáo kết quả chào bán cho UBCKNN kèm theo thủ tục đăng ký công ty đại chúng (nếu đủ điều kiện).

Ba là, những quy định về các biện pháp bảo vệ quyền lợi của các cổ đông khi công ty hủy đăng ký công ty đại chúng cần được bổ sung. Theo đó, thủ tục hủy đăng ký công ty đại chúng cần phải có ý kiến của các cổ đông thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ.

Và đây là một trong những văn bản bắt buộc phải có trong hồ sơ hủy đăng ký công ty đại chúng. Bên cạnh đó, các cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình nếu như họ phản đối chủ trương hủy đăng ký công ty đại chúng và chuyển về hoạt động dưới cơ chế CTCP nội bộ.

Hiện nay, cơ chế mua lại cổ phần khi cổ đông phản đối nghị quyết của ĐHĐCĐ đã hình thành, tác giả cho rằng cần phải bổ sung trường hợp này vào luật định và thực hiện theo cơ chế đó. Vì việc hủy đăng ký công ty đại chúng là một sự kiện gây ảnh hưởng cực kỳ lớn về mọi mặt đối với các cổ đông.

Theo Tạp chí Chứng khoán 08/2018

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/quy-dinh-phap-luat-ve-cong-ty-dai-chung-tai-mot-so-quoc-gia-va-viet-nam-147748.html