Quy định quản lý viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 20/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nghị định nêu rõ, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an - toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân.

Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản viện trợ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với bên viện trợ.

Gia cố lại đập tạm ngăn mặn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Gia cố lại đập tạm ngăn mặn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Nghị định quy định rõ nguyên tắc quản lý tài chính đối với khoản viện trợ quốc tế để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Cụ thể, các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước thì được thực hiện theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước.

Các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước thì bên tiếp nhận viện trợ có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo thỏa thuận viện trợ ký với bên viện trợ phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, điều lệ quốc tế và hoạt động của bên tiếp nhận viện trợ, tuân thủ quy định pháp luật về kế toán.

Theo thỏa thuận viện trợ hoặc theo yêu cầu quản lý, bên tiếp nhận viện trợ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước ở địa phương giao dịch để tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ bằng tiền do bên tiếp nhận viện trợ trực tiếp quản lý, sử dụng.

Trình tự thủ tục mở tài khoản và việc quản lý, sử dụng tài khoản được thực hiện theo quy định của Kho bạc Nhà nước.

Đối với các khoản viện trợ không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước thì bên tiếp nhận viện trợ có thể mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/quy-dinh-quan-ly-vien-tro-quoc-te-khan-cap-de-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-20200420203138042.htm