Quy định rõ độ tuổi khi bổ nhiệm các chức danh thẩm phán

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, luật đã bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm công tác tại tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm thẩm phán TAND.

Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tại họp báo, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tổ chức TAND năm 2024 gồm 9 chương, 152 điều, trong đó bổ sung mới 48 điều với nhiều điểm mới.

Liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND, luật đã bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi, phải từ đủ 28 tuổi trở lên.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến

Tuy nhiên, theo ông Tiến, đối với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các tòa án thì không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử” nhưng phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên nếu được điều động sang làm lãnh đạo tại các TAND cấp huyện.

Luật cũng quy định thời gian làm công tác pháp luật phải từ đủ 15 năm trở lên nếu được điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, Tòa án Quân sự quân khu và tương đương, Tòa án Quân sự Trung ương.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao, luật đã bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm công tác tại tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm thẩm phán TAND.

Đáng chú ý, luật bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao.

Với nhiệm kỳ thẩm phán, ông Tiến cho biết, luật quy định, thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Luật đã bổ sung quy định thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc xem xét để công nhận liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ.

Lập TAND sơ thẩm chuyên biệt

Về đổi mới tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Văn Tiến cho hay, cơ cấu tổ chức của TAND tối cao, gồm: Văn phòng, cục, vụ và tương đương; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ quan báo chí.

Luật Tổ chức TAND năm 2024 cũng bổ sung quy định TAND cấp cao có các vụ, đặc biệt là thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Theo đó, để đảm bảo tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử, Luật Tổ chức TAND năm 2024 bổ sung quy định về việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, TAND chuyên biệt phá sản.

Trong đó, TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính sơ thẩm vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh trở lên.

Trong khi đó, TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Đối với TAND chuyên biệt phá sản sẽ giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của TAND theo quy định của luật.

Theo quy định, thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật…

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quy-dinh-ro-do-tuoi-khi-bo-nhiem-cac-chuc-danh-tham-phan-post1657024.tpo