Quy định rõ hơn về giá, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi

Thảo luận Tổ về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đánh giá, dự thảo đã giải quyết được một số vấn đề vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn nữa nội hàm về tập trung đất đai, tích tụ đất đai; khắc phục độ 'vênh' giữa Luật Đất đai với các luật khác; quy định rõ hơn về giá đất; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất...

Cần làm rõ nội hàm tập trung đất đai, tích tụ đất đai

Đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết được một số vấn đề bất cập, vướng mắc hiện nay trong quá trình thực hiện Luật hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Khang cho rằng: cần phải làm rõ những nội hàm về tập trung đất đai, tích tụ đất đai thì mới có thể triển khai được trong thực tế.

ĐBQH Nguyễn Đình Khang phát biểu ý kiến.

ĐBQH Nguyễn Đình Khang phát biểu ý kiến.

Về “Ngân hàng đất nông nghiệp”, tại Điều 124, đại biểu cho rằng, đây là bước ngoặt trong tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn để hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của "Ngân hàng đất nông nghiệp" nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo với các cơ quan quản lý nhà nước khác. Qua đó, cũng tạo cơ sở để Ngân hàng đất nông nghiệp có đầy đủ tư cách pháp lý nhằm hoạt động hiệu quả…

Ngoài ra, liên quan đến đối tượng giao đất để làm nhà ở xã hội và làm nhà ở cho công nhân, đại biểu đề nghị cần phải có một điều riêng hoặc một khoản mục riêng. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng cụ thể về các nhóm đối tượng được giao đất để Luật sau khi ban hành sớm đi vào cuộc sống và khắc phục được tình trạng “cung không đủ cầu” hiện nay.

Khắc phục được “độ vênh” trong Luật

Theo đánh giá của đại biểu Trần Quốc Nam, đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm. Do đó, đại biểu kỳ vọng, việc sửa đổi sẽ được nghiên cứu một cách toàn diện, bài bản kỹ lưỡng (cả trong Luật và các nghị định hướng dẫn sau này) nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; khắc phục tình trạng "vênh" trong chính nội tại của Luật và giữa Luật với các Luật khác.

ĐBQH Trần Quốc Nam phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

ĐBQH Trần Quốc Nam phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về quy định tại Điểm 2 của Điều 97 của dự thảo là việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là phải bảo đảm người có đất bị thu hồi, có đất ở, có chỗ ở đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Từ thực tế của Ninh Thuận, đại biểu cho biết: hiện, khi GPMB phát hiện rất nhiều hộ xây dựng nhà ở đất nông nghiệp. Như vậy, về các điều kiện là không thỏa mãn để tái định cư. Những hộ này là những hộ đối tượng chính sách, những hộ nghèo nhưng áp dụng các quy định của pháp luật không được giải quyết về chỗ ở mới...

Với những trường hơp này, Luật Đất đai hiện hành và Nghị định 47 về hướng dẫn giải phóng mặt bằng có trao lại thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn để giải quyết những trường hợp cá biệt... Tuy nhiên, còn rất nhiều hộ dân sẽ không được giải quyết cuộc sống của họ sẽ vô cùng khó khăn. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng này. Đây cũng là vấn đề nhân văn mà Đảng ta rất quan tâm.

Đối với giá đất, đại biểu cho rằng, trước đây Chính phủ có khung giá đất nhưng bây giờ là toàn bộ trao lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua để áp dụng. Điều này giúp thẩm quyền và trao quyền cho địa phương lớn hơn, linh hoạt hơn, trách nhiệm. Song với những bất cập hiện nay trong việc định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đề cập rõ hơn về tham số, chỉ số, phương pháp định giá đất. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về đất đai phải được cập nhật và công khai, có sự minh bạch về thông tin.

Về hình thức bồi thường, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu để có quy định về xác định mức giá đất được bồi thường có sự thống nhất giữa các địa phương, vì nếu không hai địa phương lân cận nhau có thể sẽ có hai mức giá khác biệt. Hai địa phương sát vách nhau sẽ có tình trạng bên này được giá đền bù cao, nhưng mảnh đất ngay bên cạnh thuộc tỉnh khác lại giá rất thấp, gây khó khăn trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng.

Hội đồng định giá đất nhất thiết phải có người dân vùng có đất bị thu hồi

Theo đánh giá của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, việc sửa đổi Luật hiện hành là rất cần thiết. Đây là mong đợi của xã hội, nhằm bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu tại thảo luận tổ

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu tại thảo luận tổ

Tán thành với quy định tại Điều 14 "Nhà nước quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu", song theo đại biểu, để tránh việc "bẻ" quy hoạch vì “lợi ích nhóm” thì cần phải nghiên cứu bổ sung quy định để có cơ chế duy trì quy hoạch, tránh quy hoạch theo nhiệm kỳ, thay đổi liên tục, gây khó khăn cho các đối tượng chịu sự tác động, nhất là những người dân có đất bị thu hồi. “Làm sao để quy hoạch phải ổn định, giữ được tuổi thọ của mình”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói.

Về thu hồi đất, trưng dụng đất, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương lưu ý, tại khoản 1, Điều 17 quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đại biểu, căn cứ vào những yếu tố nào để được khẳng định là vi phạm đất đai cần được xác định rõ ràng để áp dụng cho đúng, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi, gây khó khăn cho người dân. “Ví dụ như, trường hợp người dân có đất nông nghiệp nhưng vì không có nhà ở nên xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp thì như vậy có được xác định là vi phạm pháp luật hay không? Nếu theo quy định này thì có vi phạm pháp luật về đất đai hay không, và nếu như thế thì người dân bị thu hồi đất hay không”, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương nêu ví dụ.

Điều 18, dự thảo Luật quy định rõ, Nhà nước quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất; cũng như, quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Việc vẫn áp dụng cơ chế thu tiền thuê đất cho cả thời gian thuê cần được nghiên cứu, vì trong thực tế cho thấy việc này tạo sự thiếu công bằng. Bởi, giá đất thay đổi theo hướng tăng hàng năm, cho thuê như vậy thì e rằng nó sẽ thất thu nguồn ngân sách của nhà nước.

Để công bằng giữa các đối tượng, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, dự thảo Luật cần quy định cụ thể đối tượng nào thì phải là thu tiền thuê đất hàng năm và đối tượng nào thì được thuê đất một lần. Tuy nhiên, theo đại biểu là nên thu tiền sử dụng đất hàng năm để nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, điểm c khoản 1 Điều 163 dự thảo Luật quy định một trong các nguyên tắc định giá đất là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 chưa có giải thích về giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, mà chỉ giải thích thuật ngữ “giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường” (khoản 20 Điều 3). Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương khi lấy ý kiến về dự án Luật với các sở, ngành chuyên môn đã nhận được nhiều ý kiến khẳng định: dự án Luật đã bám sát chủ trương bỏ khung giá đất, bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, song phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Đối chiếu với yêu cầu nêu trên, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 163 dự thảo Luật chưa xác định theo nguyên tắc thị trường, thậm chí trong điều kiện bình thường thì cũng không xác định được. Để bảo đảm cho địa phương thực hiện một cách thông suốt, tránh ách tắc thì cần quy định cụ thể, rõ khái niệm, tiêu chí để xác định thế nào là điều kiện bình thường và không bình thường. Bên cạnh đó, theo đại biểu, để phù hợp với đòi hỏi của thực tế thì cần quy định, trên cơ sở xác định của Hội đồng định giá đất, Nhà nước ban hành một bảng giá đất theo giá cả thị trường, như vậy thì mới đảm bảo tinh thần Nghị quyết 18 – NQ/TW.

Đồng thời, cần quy định trong Hội đồng định giá đất nhất thiết phải có người dân vùng có đất bị thu hồi, phải có người dân tham gia vào Hội đồng đó để có ý kiến rồi xác định được giá đất. “Nếu có sự tham gia của đại diện người dân trong việc định giá đất sẽ khắc phục được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đối với những người dân có đất bị thu hồi nhưng không được đền bù thỏa đáng”, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.

Thanh Mai – Bách Hợp – Minh Anh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quy-dinh-ro-hon-ve-gia-bao-dam-quyen-loi-hop-phap-cua-nguoi-co-dat-bi-thu-hoi-i305840/