Quy định rõ về tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (3/6) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP. HCM) và nhiều ý kiến đại biểu khác đề nghị cần quy định “cứng” luôn tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong dự luật, tránh gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Cũng tán thành với việc cần quy định cụ thể tỷ lệ, không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp), Âu Thị Mai (Tuyên Quang) và Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) cho rằng, riêng tỷ lệ phân bổ đại biểu là người dân tộc thiểu số cần nghiên cứu, quy định để đảm bảo tỷ lệ người dân tộc thiểu số tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Làm rõ hơn về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND sau này.

Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương, đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Thực tiễn cũng cho thấy, tại mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương lại có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau, từ đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của mỗi khóa cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND.

Bên cạnh đó, kết quả bầu cử chủ yếu lại phụ thuộc vào lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cử tri đối với từng ứng cử viên. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8); trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình. Đồng thời, quy định việc dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Xung quanh quy định nguyên tắc và trình tự bầu cử, kết quả bầu cử, về điều kiện kết thúc bỏ phiếu sớm (Điều 71), đại biểu Nguyễn Văn Minh và một số ý kiến khác đề nghị, cần có quy định linh hoạt hơn về thời gian kết thúc việc bỏ phiếu. Đối với những khu vực bỏ phiếu đã có đủ 100% cử tri đi bầu thì cho phép được đóng hòm phiếu, kết thúc việc bỏ phiếu trước thời gian luật định.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về kết thúc sớm việc bỏ phiếu trong ngày bầu cử tuy có thể tiết kiệm thời gian, công sức ở một số khu vực bỏ phiếu (nhất là khu vực bỏ phiếu ở đơn vị vũ trang nhân dân, ở các trường học hay địa bàn dân cư tập trung…) nhưng sẽ dễ dẫn đến việc thúc ép cử tri đi bầu cử sớm hoặc làm gia tăng tình trạng bầu hộ, bầu thay, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền bầu cử của công dân.

Mặt khác, việc kết thúc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu sớm tại khu vực bỏ phiếu này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu khác. Vì thế, đề nghị cho giữ quy định về thời gian bầu cử như trong luật bầu cử hiện hành.

Một số ý kiến đề nghị trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau, thay vì quy định ưu tiên người nhiều tuổi hơn trúng cử như Điều 78 của dự thảo Luật thì nên ưu tiên phụ nữ hoặc người ít tuổi hơn, người có trình độ chuyên môn, hoặc người dân tộc thiểu số trúng cử.

Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm quy định về nguyên tắc ưu tiên người nhiều tuổi hơn để xác định người trúng cử tại Điều 78 của dự thảo Luật là sự kế thừa quy định của các văn bản Luật bầu cử từ trước đến nay.

Đây là một thông lệ đã được thừa nhận rộng rãi và thực hiện ổn định qua nhiều năm. Do đó, đề nghị cho giữ quy định về nguyên tắc ưu tiên xác định người trúng cử như trong luật bầu cử hiện hành.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, Điều 3 dự thảo quy định: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng, nội dung này quy định ngay trong dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cử tri, “cử tri không cần mua đến 3, 4 quyển luật để biết được quyền của mình”.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử; điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND…

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, từ khi ra đời, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành hàng hải nói riêng.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung và cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị khi xác định hạn chế việc sử dụng các văn bản dưới Luật để triển khai Luật vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải đòi hỏi cần xây dựng một Bộ luật mới thay thế Bộ luật 2005, tạo sự phù hợp, thống nhất.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hàng hải Việt Nam là cần thiết, tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển, tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, để nước ta trở thành “Quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc điều chỉnh đối với các phương tiện, thiết bị, công trình biển như “ụ nổi”, “các kết cấu nổi tương tự khác”, tạo cách hiểu thống nhất, rõ ràng, tránh vướng mắc, bất cập tương tự như thực tế áp dụng pháp luật thời gian qua.

Về việc đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển, Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ theo hướng vừa tạo điều kiện để phát triển đội tàu biển Việt Nam về số lượng, bảo đảm chất lượng vừa tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu tàu phế thải vào Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế và tác động xấu đến môi trường.

Về Cảng vụ hàng hải, nhất trí với quy định này tại Điều 144 dự thảo Bộ luật, tuy nhiên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung để Cảng vụ hàng hải là cơ quan có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp điều phối và quản lý chặt chẽ các hoạt động tại khu vực.

Về tiêu chí xác định cảng biển, Ủy ban Pháp luật cho rằng, khái niệm cảng biển trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam và khái niệm cảng đường thủy nội địa trong Luật Giao thông đường thủy nội địa có nội dung trùng lặp và đã xảy ra từ lâu.

Do đó, đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong Bộ luật này những tiêu chí cụ thể để phân biệt sự khác nhau giữa 2 khái niệm trên nhằm giải quyết triệt để sự chồng lấn này, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Ủy ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến đại biểu nhất trí quy định Ban quản lý và khai thác cảng như trong dự thảo Bộ luật nhằm thiết lập cơ quan có đủ năng lực, trách nhiệm quản lý cảng biển, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cảng biển.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định mô hình này. Trước hết, cần làm rõ về tiêu chí, điều kiện để thành lập Ban quản lý và khai thác cảng, về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương…

Đồng thời cần làm rõ tính chất của Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức kinh tế hay là cơ quan quản lý nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý và khai thác cảng trong mối quan hệ với Cảng vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân được giao quản lý khai thác cảng như hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về mô hình “Chính quyền cảng” hay “Ban quản lý và khai thác cảng” để có cơ sở tổ chức một mô hình phù hợp với thực tế của Việt Nam và không trái với quy định hiện hành về chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ quy định này để bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các pháp luật khác có liên quan.

Về phí, lệ phí và giá dịch vụ tại cảng, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành quy định như trong dự thảo Bộ luật, vì cho rằng quy định như vậy là cụ thể, phù hợp với tính chất và hoạt động trong lĩnh vực hàng hải; bảo đảm công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, đề nghị cần rà soát các loại phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ tại cảng do Nhà nước định giá để tránh bỏ sót và tạo sự thống nhất với dự án Luật Phí, lệ phí đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và Luật Giá năm 2012.

Về ban hành văn bản chi tiết thi hành Bộ luật, Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Bộ luật hiện có 27 điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các bộ hữu quan ban hành văn bản quy định chi tiết.

Do đó, đề nghị rà soát để quy định ngay trong Bộ luật nhằm bảo đảm tính khả thi. Đối với những nội dung cần thiết giao Chính phủ, các cơ quan khác quy định chi tiết thì đề nghị chuẩn bị dự thảo văn bản trình Quốc hội, bảo đảm các văn bản này được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của Bộ luật.

Quốc Bình

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/quy-dinh-ro-ve-ty-le-dai-bieu-la-phu-nu-nguoi-dan-toc-thieu-so.html