Quy định room cho nhà đầu tư ngoại là cần thiết

Một số chuyên gia cho rằng, cần thiết giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài vì thanh toán là một trong những lĩnh vực quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia...

Chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là vấn đề quan trọng

Chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là vấn đề quan trọng

NHNN đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có nội dung mới đáng chú ý tại dự thảo là việc NHNN đề xuất tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) là 49%.

Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép trước ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực, có tỷ lệ vốn góp của NĐTNN cao hơn 49% sẽ được duy trì cho đến khi có sự thay đổi NĐTNN hoặc hết thời hạn giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Lý giải việc đưa ra mức room trên, theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các DN trong nước, tránh sự thao túng của NĐTNN trong lĩnh vực này; bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, đây là loại hình hoạt động mới, dự báo thị trường đầy tiềm năng, vì vậy việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết.

Do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để DN trong nước nắm bắt được cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. “Đề xuất trên dựa vào kinh nghiệm của Indonesia liên quan đến tỷ lệ sở hữu của NĐTNN không vượt quá 20% vốn sở hữu trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức chủ trì vận hành hệ thống, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng”, cơ quan soạn thảo giải trình.

Bàn về quy định tỷ lệ sở hữu tối đa 49% có ý kiến cho rằng, lĩnh vực Fintech còn mới mẻ mà tiềm năng rất lớn nhờ dân số đông, tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh cao và sự cởi mở của Chính phủ trước những làn sóng công nghệ mới nên cần kêu gọi vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển mạnh hơn. Nếu giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN sẽ rất khó kêu gọi các NĐT lớn đầu tư vốn vào Việt Nam giống như các lĩnh vực khác đang bị bó hẹp bởi quy định room của Nhà nước.

Vì thực tế, về mặt công nghệ, các tổ chức trung gian thanh toán không có sự cách biệt lớn, nhưng để tồn tại được trên thị trường thì đòi hỏi tổ chức đó phải trường vốn. Bởi lẽ, hầu hết các DN đầu tư vào lĩnh vực này đều đang ở giai đoạn phải bỏ tiền ra để khuyến khích, tạo thói quen cho người dùng sử dụng dịch vụ, lôi kéo người dùng. Do vậy, họ cần kêu gọi thêm nguồn vốn từ các NĐTNN có tiềm lực tài chính mạnh.

Nhưng ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, cần thiết giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài vì thanh toán là một trong những lĩnh vực quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia. Theo quan điểm của một thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, có tính lan truyền, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội. Nhất là đối với một lĩnh vực mới mẻ như Fintech, hành lang pháp lý chưa đồng bộ thì cần phải thận trọng hơn. Nếu để tỷ lệ sở hữu NĐTNN rộng rãi quá có thể dẫn tới một số tổ chức nước ngoài với tiềm lực mạnh bành trướng thị trường, làm méo mó môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của những Fintech nội.

Vị này cho rằng, NHNN đưa ra tỷ lệ 49% đã cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực có nhiều điểm tương đồng về cơ chế chính sách Fintech với Việt Nam chẳng hạn như Indonesia. Hiện tại, nước này có số dân đông nhất trong khu vực Đông Nam Á, cũng đang quy định rất chặt về room sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Chính phủ nước này quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức pháp nhân trong nước phải chiếm tối thiểu 80% vốn chủ sở hữu đối với các tổ chức nhận tiền gửi, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng…

Mặt khác, tỷ lệ trên cũng khá thoáng so với quy định tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các NĐTNN tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30%; tỷ lệ sở hữu cổ phần của một NĐT chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ. “Với tỷ lệ sở hữu cổ phần 49% dù không tham gia được tất cả nhưng NĐT cũng đã có quyền phủ quyết”, vị chuyên gia trên bình luận và trấn an các NĐT cũng không cần lo lắng quá về tỷ lệ sở hữu này.

Trong thời gian tới, nếu khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) hoàn thiện đi vào vận hành thì có thể tỷ lệ trên được điều chỉnh linh hoạt. Vì sandbox có thể cho phép điều chỉnh vượt khung pháp lý. Tuy nhiên, dù có nới hay không nới room vị chuyên gia trên đề xuất cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn việc quản lý, thanh kiểm tra đối với dịch vụ trung gian thanh toán.

Lường đón được điều này, ban soạn thảo cho biết, trong quá trình thẩm định, theo dõi, kiểm tra, giám sát và thanh tra có một số vướng mắc nhất định. Do vậy tại dự thảo nghị định đã bổ sung cụ thể và chi tiết hơn đối với từng loại thủ tục, thời hạn xử lý làm căn cứ để quản lý và thực thi trong thực tiễn; rà soát sửa đổi các quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại giấy phép. Ngoài ra, bổ sung các nguyên tắc làm cơ sở để NHNN thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của các tổ chức được NHNN cấp giấy phép.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quy-dinh-room-cho-nha-dau-tu-ngoai-la-can-thiet-94733.html