Quy định số 37-QĐ/TW - nguồn sinh lực của Đảng
Ngày 25-10-2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này chính thức thay thế Quy định số 47-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định số 47) sau 10 năm thực hiện. So với Quy định số 47, Quy định số 37 vẫn giữ nguyên số điều và nội dung cơ bản kế thừa các Quy định số 47 còn phù hợp, song ở hầu hết các điều đều có bổ sung những nội dung hoàn toàn hợp lý, phù hợp với sự vận động của thực tiễn và yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Hiện nay, các cơ sở đảng trong cả nước đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện Quy định số 37. Là cán bộ hưu trí, tôi rất tâm đắc và đồng thuận cao với những điểm mới tại quy định này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ đề cập đến điểm mới trong Điều 1 và Điều 2 của Quy định 37. Trước hết phải khẳng định rằng, trong nội dung của Quy định số 37, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kế thừa, bổ sung và phát triển về những điều đảng viên không được làm cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, tại Điều 1, Quy định 47 có nêu về điều đầu tiên đảng viên không được làm, đó là: Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép. Tuy nhiên, đến Quy định 37, nội dung của Điều 1 đã được bổ sung: Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hớn Quản Vũ Xuân Trường chủ trì cuộc họp bàn giải pháp giảm nghèo và phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên xã Đồng Nơ trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo - Ảnh: M.L
Như vậy, so với Điều 1 của Quy định 47, nội dung của Điều 1 trong Quy định 37 đã được bổ sung 3 từ, đó là: “viết” và “quyết định”. Về từ “viết”, thực tế thời gian qua cho thấy, có một số cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến không chỉ nói, làm trái hoặc không thực hiện đúng theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, mà còn viết sai, suy diễn vô căn cứ, thậm chí là xuyên tạc, bịa đặt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng. Và “viết” sai, viết trái với quy định của Đảng cũng được hiểu là hành vi làm sai. Quy định 37 đã bổ sung từ “viết” là chỉ rõ thêm một hành vi cụ thể mà đảng viên không được làm. Việc bổ sung này là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời và phù hợp tình hình thực tế. Về việc bổ sung cụm từ “quyết định” trong Điều 1 của Quy định 37 vì, đây là một trong các thể loại văn bản quan trọng của Đảng. Do đó, việc bổ sung cụm từ này là cần thiết và hợp lý.
Điều 7 đảng viên không được làm theo Quy định 47, là: Đảng viên (kể cả cấp ủy viên và đảng viên là cán bộ diện cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, với Quy định 37 thì nội dung này đã được chuyển lên vị trí thứ 2 trong 19 điều đảng viên không được làm - tức là Điều 2. Đồng thời, nội dung của Điều 2 trong Quy định 37 đã được bổ sung như sau: Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.
Như vậy, so với Điều 2 của Quy định 47 thì nội dung của Điều 2 trong Quy định 37 đã được bổ sung cụm từ: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”. Trước hết cần khẳng định, đây là bổ sung quan trọng và vô cùng cần thiết và đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Bởi Điều lệ Đảng đã quy định rõ: Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Do đó, đã là đảng viên thì không thể “không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo 5 nguyên tắc: Thứ nhất là tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc được quy định từ khi thành lập Đảng năm 1930. Thứ hai là tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc này được Đảng bổ sung ở Đại hội II năm 1951, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Thứ ba là đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nguyên tắc này được bổ sung ở Đại hội III, năm 1960. Thứ tư là Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân. Đây là nguyên tắc được bổ sung ở Đại hội X, năm 2006. Và thứ năm là Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Nguyên tắc này được bổ sung ở Đại hội X, năm 2006. Để có 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng hoàn chỉnh như hiện nay là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng. Trong 5 nguyên tắc nêu trên, tập trung dân chủ được xác định là nguyên tắc quan trọng nhất, bảo đảm cho Đảng trở thành một tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; đồng thời là cơ sở để phân biệt giữa Đảng Cộng sản và các đảng không phải Đảng Cộng sản.
Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa tại Điều 9 của Điều lệ Đảng, với những nội dung chủ yếu như: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách… Giữa 2 kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương; ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (đảng ủy, chi ủy)… Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức... Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghị quyết, không được truyền bá ý kiến riêng của mình, trái với nghị quyết của Đảng. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi, quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên.
Mục đích của việc ban hành Quy định số 37 là nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Với những nội dung mới, phù hợp thực tiễn của công tác xây dựng Đảng hiện nay, Quy định số 37 được đảng viên và nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng hiệu quả hơn.