Quy định số 37-QĐ/TW: 'Thanh bảo kiếm' bảo vệ, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh
Với thể chế chính trị Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ, những quy định về 'những điều đảng viên không được làm' thực sự là 'thanh bảo kiếm' để quản lý cán bộ, đảng viên hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn diện đưa đất nước phát triển hùng cường như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đã đề ra.
Từ sự ban hành kịp thời…
Từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhận thấy tình hình tham nhũng, tiêu cực, “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã có biểu hiện thoái hóa, biến chất, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”.
Quy định số 37-QĐ/TW giữ nguyên 19 điều. Tuy nhiên, bổ sung, sửa đổi, làm rõ nội hàm, nội dung một số điều, ví dụ như quy định rõ đảng viên không được “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Hoặc quy định, đảng viên không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Việc bổ sung những nội dung này là rất cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.
… Đến xử lý nghiêm không có vùng cấm
Nhớ lại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Thế nên, Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, luôn đề cao công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó đề cao nội dung về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp. Đồng thời cũng ràng buộc quy định về những điều đảng viên không được làm, trên tinh thần "chống để xây".
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng được đẩy mạnh thì càng có nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Điều này một mặt cũng cho thấy sự suy thoái tư tưởng, đạo đức chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Phiên họp thứ 25 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (diễn ra ngày 1/2/2024), chỉ riêng trong năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức, 24.162 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Tính rộng ra, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2/2024, đã kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật do sai phạm từ những nhiệm kỳ trước đó. Trong 105 cán bộ này có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng…
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý cho 2 đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước; Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội nghỉ công tác do "Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...". Điều này càng thấy ý nghĩa to lớn của Quy định 37 và công cuộc chỉnh đốn Đảng trên nền tảng “không có vùng cấm”.
Quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân khắp cả nước. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong suốt thời gian qua. Theo đảng viên Đinh Thị Lan (ở quận Đống Đa, Hà Nội): Những năm gần đây, việc một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý sai phạm theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Điều đó cũng cho thấy, việc xử lý vi phạm đã “không có vùng cấm”.
Chị Nguyễn Thị Mùi (giáo viên ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đồng tình: Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, từ địa phương đến Trung ương bị xử lý kỷ luật, miễn nhiệm cũng như được cho thôi các chức vụ trong thời gian qua cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta thực sự không có ngoại lệ. Điều này góp phần không nhỏ trong việc giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Tiếp tục vững bước dưới lá cờ Đảng để xây dựng đất nước hùng cường
Đảng ta là Đảng cầm quyền, trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Vì vậy, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, chấn chỉnh lại đội ngũ đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng là việc làm cần thiết và hết sức bình thường của một chính Đảng.
Trong lịch sử của Đảng ta, đã từng có lúc Đảng thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt việc tự phê bình để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhằm hoàn thành các mục tiêu cách mạng trong những giai đoạn cụ thể. Năm 1939, trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít lớn mạnh và Thế chiến II bùng nổ, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử trốt-kít giả danh cách mạng cũng ra mặt chống phá Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn trốt-kít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Với bút danh Trí Cường, đồng chí đã hoàn thành bản thảo tác phẩm “Tự chỉ trích” vào tháng 6/1939 và ra mắt vào 7/1939, gây tiếng vang lớn. Trong tác phẩm, nổi bật nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Đảng ta thống nhất về tư tưởng và hành động, thật sự trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để có thể lãnh đạo thực hiện được cuộc cách mạng giành độc lập trong bối cảnh mới.
Một Đảng cách mạng, chân chính dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và những hạn chế trong nội tại tổ chức Đảng, đảng viên để từ đó đề ra các giải pháp chỉnh đốn, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém. Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) thẳng thắn nhìn nhận sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì thế, cùng với nhiều quy định khác, Đảng ta ban hành Quy định 37-QĐ/TW là để mỗi đảng viên “tự soi, tự sửa” chính bản thân mình và giúp cho kỷ luật, kỷ cương của Đảng ngày càng chặt chẽ và nghiêm minh….
Chính vì thế, Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”, ở phần mở đầu nêu rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; cùng với việc gương mẫu chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên, phải chấp hành nghiêm những quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm”. Điều này có nghĩa rằng, đã là đảng viên, ngoài việc gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng còn phải chịu những ràng buộc nhất định, để bảo đảm rằng mỗi đảng viên phải luôn thể hiện tinh thần hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Với mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện là việc làm “như đánh răng, rửa mặt hàng ngày”, nhất là khi đã đứng vào hàng ngũ những người ưu tú nhất, tiên tiến nhất, nguyện suốt đời phấn đấu, hi sinh cho đất nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì đòi hỏi phẩm chất, tư cách đạo đức phải gương mẫu hơn người dân bình thường. Đảng viên, bên cạnh việc tuân thủ, thực hiện tốt nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ và văn bản của Đảng thì với vai trò là công dân cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Trong suốt chặng đường phát triển, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng không có mục đích nào hơn là lãnh đạo để xây dựng đất nước phồn vinh, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, do những biến thiên của lịch sử, trong quá trình chuyển đổi, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước đã nảy sinh nhiều bất cập liên quan đến công tác quản lý. Đi liền đó là vấn nạn tham nhũng, lãng phí; thoái hóa, biến chất ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nên ngoài việc ban hành các văn bản luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng thì Trung ương cũng đã kịp thời ban hành Quy định số 37 về "những điều đảng viên không được làm".
Từ khi Quy định này ra đời, không ít cán bộ, đảng viên từ trung, đến cao cấp đã tự "soi rọi", tình nguyện xin thôi làm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó khi thấy không còn xứng đáng. Đây thực sự là "thanh bảo kiếm" để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh... có năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước hùng cường; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc.
Là cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, đoàn viên Công đoàn của Thủ đô, chúng ta luôn vững tin dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đề cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng Thủ đô giàu đẹp. Kiên quyết đấu tranh, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là luận điệu "đấu đá nội bộ" trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.