Quy định sổ đỏ ghi tên các thành viên trong gia đình là trái luật
Quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất trên sổ đỏ sẽ phát sinh nhiều bất cập, mâu thuẫn, trái với nhiều luật đang hiện hành.
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT, có hiệu lực áp dụng từ ngày 5/12/2017 sẽ bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon cho rằng, quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất trên sổ đỏ sẽ phát sinh nhiều bất cập, mâu thuẫn.
Dễ phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn quyền lợi
Theo luật sư Long, trong Luật Hôn nhân gia đình cho phép tài sản chung là tài sản làm ra trong thời kỳ hôn nhân và tài sản riêng của vợ, chồng tự nguyện nhập vào khối tài sản chung.
Luật cũng quy định các tài sản được cho riêng, thừa kế của một bên có quyền không nhập vào khối tài sản chung. Thậm chí tài sản trong hôn nhân, nếu có tranh chấp thì pháp luật sẽ xem xét đến công lao của các bên tạo ra tài sản đó.
Vì thế, ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ, có nghĩa đã “vô tình” chứng nhận quyền sở hữu cho cả người không có quyền tài sản.
Thông tư hướng dẫn của Bộ TN-MT còn tạo nên sự rắc rối về quy định thừa kế trong Bộ Luật dân sự. Theo quy định, tài sản tạo lập và sở hữu của cha mẹ thì cha mẹ có quyền định đoạt. Con cái có sự đóng góp thì mới nên đưa vào, nếu không có thì chỉ nên có cha mẹ.
Nếu cha mẹ mất thì đã có chế định về thừa kế trong Bộ Luật dân sự điều chỉnh. Bởi vậy, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ chỉ thêm rắc rối.
Giám đốc Công ty Luật Dragon cho hay, cấp sổ đỏ sẽ phải xác minh thêm việc, con cái có công sức đóng góp vào tài sản chung không? Nếu không đóng góp sẽ không được ghi tên vào sổ đỏ. Việc xác minh như vậy rất phức tạp, có thể làm chậm lại quá trình cấp sổ đỏ.
Bên cạnh đó, khi thêm tên con cái vào sổ đỏ phải xác định công sức đóng góp của từng thành viên, đây là điều không khả thì và không thể làm được.
Ngoài ra, khi bố mẹ muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải “xin phép” con cái, trong khi thực tế các thành viên này không có sự đóng góp gì và đây là điều khó chấp nhận.
Hơn nữa, khi ghi các thành viên vào thì việc chuyển nhượng cũng dễ phát sinh tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình về công sức đóng góp mà các bên không thỏa thuận hay không xác định được.
Lằng nhằng về thủ tục
Luật sư Nguyễn Minh Long cũng đặt ra thêm vấn đề, đó là việc ghi đầy đủ tên của các thành viên buộc phải có thông tin đầy đủ theo giấy tờ nhân thân.
Giấy tờ nhân thân theo quy định của pháp luật bao gồm mã số định danh cá nhân (được cấp vào thời điểm sinh ra) hoặc số CMND hoặc số căn cước công dân.
Tuy nhiên, việc triển khai cấp mã số định danh cá nhân mới được thực hiện trong thời gian gần đây cho trẻ sơ sinh, căn cước công dân chỉ được cấp khi công dân đủ 14 tuổi. Vậy, những thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất khi không có mã số định danh cá nhân và chưa đủ tuổi làm căn cước công dân thì sẽ ghi như thế nào? Thông tin thiếu thì có đủ hiệu lực cho sổ đỏ?
Khi những thành viên này đủ độ tuổi để được cấp thẻ căn cước công dân thì có phải đi đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Với những gia đình có nhiều thành viên, nhiều thế hệ cùng chung sống, sổ đỏ phải ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong hộ gia đình sẽ gây khó khăn phức tạp đối với cán bộ thụ lý hồ sơ.
Trong thực tiễn, việc xác định các thành viên đối với nhiều trường hợp không phải dễ dàng chứng minh, nhiều trường hợp phải có phán quyết của tòa án, nhất là đối với các hộ gia đình quá đông người và có sự biến động về các thành viên trong từng thời kỳ.
Quy định này sẽ gây nhiều phiền toái cho người dân trong việc xác định các thành viên. Rất nhiều gia đình không còn giấy tờ, hay con cái ở xa hoặc đi nước ngoài không thể xác minh được. Khi đó, họ có thể buộc phải kê khai theo hướng giảm bớt thành viên hoặc giảm bớt những người thừa kế để làm được giấy tờ.
“Từ vấn đề này lại dẫn tới việc khi thay đổi các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ cũng làm tăng thêm các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin, chia thừa kế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi chưa quen với những quy định pháp luật này”, ông Long phân tích.
Ngoài ra, còn có trường hợp thực hiện các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì sổ hộ khẩu gia đình đã có những biến động, phát sinh thêm thành viên gia đình hay thành viên gia đình đã tách khẩu, tách hộ…
Trong trường hợp này, việc xác định thành viên hộ gia đình dựa vào sổ hộ khẩu không còn phù hợp nên “hộ gia đình” phải có giấy/đơn xin xác nhận của cơ quan công an hoặc UBND cấp xã về các thành viên của hộ gia đình mình tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này tạo thêm sự phiền hà, rắc rối khi cấp thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất.
Từ phân tích của mình, ông Long cho rằng, quy định đưa tất cả các thành viên trong gia đình đứng tên trên sổ đỏ là tự tạo thêm mâu thuẫn cho chính các bộ luật khác./.