Quy định thu gom, tái chế bắt buộc: Doanh nghiệp sợ cơ chế xin – cho, sợ nhóm lợi ích
Công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) không phải là vạn năng, cần tạo ra cơ chế thực thi minh bạch, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan để đạt được mục đích như kỳ vọng trong quản lý chất thải rắn.
Từ lợi ích…
Theo các chuyên gia trong ban soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như nghị định hướng dẫn thi hành luật, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đem lại lợi ích toàn vẹn cho mọi đối tượng trong bức tranh tổng thể về ô nhiễm từ rác thải rắn.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, thực thi EPR giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, thực hiện tốt trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Qua đó, không chỉ dễ dàng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, doanh nghiệp còn dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn về thương mại, tận dụng lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Doanh nghiệp tái chế được tiếp cận với một thị trường phế liệu dồi dào, ổn định, với những phế thải từ sản phẩm không ngừng thay đổi thiết kế theo hướng dễ thu gom, phân loại và tái chế.
Lượng rác thải giảm đi và dễ thu gom hơn cũng giúp giảm khối lượng công việc vốn đang rất quá tải đối với lực lượng công nhân vệ sinh môi trường. Trao đổi với TheLEADER, bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật cho biết, EPR còn tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc và mức lương cho công nhân vệ sinh môi trường, đồng thời đa dạng hóa cơ hội nghề nghiệp cho họ khi ngành công nghiệp tái chế phát triển.
Đối với Nhà nước, EPR là cơ chế hiệu quả để san sẻ gánh nặng ngân sách chi cho hoạt động xử lý rác thải. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, phần lớn chi phí xử lý ô nhiễm đang được chi trả bởi ngân sách nhà nước, người dân hầu như không biết về mức phí đóng góp để xử lý rác thải do không phải đóng hoặc đóng một số tiền rất nhỏ.
Trên hết, EPR giúp giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, giữ cho môi trường sống được sạch đẹp, trong lành, đảm bảo sức khỏe và an sinh xã hội cho cộng đồng.
…đến trách nhiệm
EPR là công cụ tiên tiến trong quản lý rác thải rắn, đã được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, với thực trạng rác thải gia tăng ngày càng nhanh ở Việt Nam, nhiều người đặt ra câu hỏi, “liệu EPR có thực sự hiệu quả”?
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực môi trường, TS. Tùng khẳng định, EPR chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, để phát huy vai trò ấy, cơ chế vận hành EPR cần có sự đồng bộ, bài bản và minh bạch.
Ông Tùng nhấn mạnh, điều tiên quyết để thực hiện thành công công cụ EPR là phải xác định “mục tiêu của chúng ta là gì”. Theo đó, công cụ EPR được thiết kế với hàm ý giảm thiểu rác thải, quản lý rác thải, quản lý đến tận cùng vòng đời của sản phẩm, tuy nhiên dường như một số quy định đưa ra chỉ tập trung vào “thu càng nhanh, càng nhiều tiền càng tốt”.
“Đây chính là nguyên nhân tại sao công cụ EPR thất bại 15 năm trước”, nguyên lãnh đạo Cục Môi trường cho biết.
Để công cụ EPR đi theo đúng “sứ mệnh” của mình, cần phải có lộ trình cụ thể, quy định rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, không chỉ là doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mà còn là Nhà nước, người tiêu dùng, đơn vị thu gom, tái chế, xử lý rác thải.
Các vấn đề liên quan cần được làm cụ thể, bên ngoài việc bắt buộc doanh nghiệp thu gom, tái chế và đóng góp kinh phí, còn là việc quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ tài chính thu được, thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các hoạt động thu gom, tái chế xử lý rác thải phi chính thức phải được quản lý, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả, tuân thủ quy chuẩn chung. Thị trường sản phẩm tái chế, nguyên vật liệu thứ cấp có đầu ra ổn định, có thể là những quy định về tỷ lệ nguyên vật liệu tái chế, thứ cấp bắt buộc trong mỗi sản phẩm nhất định như đề xuất của Bộ Công thương. Các vấn đề này cần được tiến hành ngay để tạo nền móng cho công cụ EPR đi vào hiệu lực.
Thực tế, doanh nghiệp đang rất nỗ lực thực hiện trách nhiệm đối với môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, có thể kể đến sáng kiến Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Việt Nam Tái chế… Điều này cho thấy nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vấn nạn rác thải và vai trò của mình trong bức tranh ô nhiễm môi trường.
“Rất nhiều doanh nghiệp đang sợ, họ không sợ phải nộp tiền mà họ sợ sự thiếu minh bạch, sợ thủ tục hành chính, sợ nguy cơ hình thành cơ chế xin – cho, sợ các nhóm lợi ích”, TS. Tùng cho biết.