Quy định thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế

Bà Lê Thị Thơm ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, hỏi: Việc thu hồi và tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) áp dụng trong trường hợp nào?

Trả lời: Theo Điều 20 Luật BHYT, thu hồi thẻ BHYT trong các trường hợp: Gian lận trong việc cấp thẻ BHYT; người có tên trong thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT; cấp trùng thẻ BHYT.

Cũng tại Điều 20 Luật BHYT quy định, thẻ BHYT bị tạm giữ trong trường hợp: Người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.

* Anh Hồ Quang Minh ở phường Bình Minh, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hỏi: Thế nào được gọi là khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) theo quy định? Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT được quy định như thế nào? Khi chuyển đổi mức hưởng BHYT thì mức hưởng mới được tính từ thời điểm nào?

Trả lời: KBCB theo quy định (trừ trường hợp cấp cứu) là KBCB đúng nơi đăng ký KBCB BHYT ban đầu ghi trên thẻ BHYT, đủ thủ tục KBCB hoặc chuyển tuyến điều trị đúng quy định.

Điều 22 Luật BHYT quy định, trường hợp một người thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định trường hợp chuyển đổi mức hưởng BHYT thì mức hưởng BHYT mới được tính từ thời điểm thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng.

Mọi thông tin, ý kiến cần giải đáp xin gửi về Phòng Biên tập Công tác Đảng, Công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 069.554119; 024.37478610; thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/quy-dinh-thu-hoi-tam-giu-the-bao-hiem-y-te-616512