Quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm

Bộ Y tế đề xuất quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Bởi hiện nay, thực phẩm bổ sung (một phân nhóm trong thực phẩm chức năng) không được quy định trong các nhóm thực phẩm phải đăng ký bản công bố. Điều này, dẫn đến tình trạng tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục rút gọn.

KHẮC PHỤC BẤT CẬP VỀ TỰ CÔNG BỐ, ĐĂNG KÝ BẢN CÔNG BỐ SẢN PHẨM

Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới, đặc biệt trước các vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện tại các vụ việc như: Sản phẩm thực phẩm bổ sung Supergreen Gummies (Kẹo rau củ Kera) chứa sorbitol vi phạm quảng cáo; sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận.

Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nội dung đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định. Mục đích để giải quyết ngay hạn chế, bất cập liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, quảng cáo, hậu kiểm, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Bộ Y tế cũng được giao rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp về quản lý an toàn thực phẩm đối với một số loại sản phẩm thực phẩm, mà người sản xuất được tự công bố, hoặc công bố và đăng ký công bố mới được đưa vào lưu thông.

Thực hiện chỉ đạo, và tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước Mỹ, Nhật, Australia, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc..., Ban soạn thảo và Tổ biên tập thống nhất bổ sung vào dự thảo Nghị định các nội dung để đảm bảo yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cụ thể, quy định trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố, cho ý kiến khi tiếp nhận hồ sơ, đăng tải hồ sơ trên trang thông tin điện tử, xây dựng, triển khai kế hoạch hậu kiểm hồ sơ.

Nếu phát hiện vi phạm, sẽ tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Hiện Nghị định số 15/2018 chưa có quy định cơ quan quản lý kiểm soát các hồ sơ tự công bố. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm doanh nghiệp tự công bố, tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất sản phẩm, tự thổi phồng công dụng sản phẩm, không tuân thủ về chất lượng sản phẩm. Khi phát hiện thanh tra, kiểm tra, thì sản phẩm đã được lưu thông, tiêu thụ.

Đồng thời, quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Lý do là thực phẩm bổ sung (một phân nhóm trong thực phẩm chức năng) chưa được nêu rõ trong Nghị định số 15/2018, không được quy định trong các nhóm thực phẩm phải đăng ký bản công bố, thực phẩm bổ sung thuộc nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn và được tự công bố.

Theo Bộ Y tế, điều này dẫn đến tình trạng tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm. Rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe tự xác định thành thực phẩm bổ sung và tự công bố.

Ngoài ra, do không phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan có thẩm quyền, nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp phóng đại tính năng, công dụng sản phẩm.

SẼ TẠM DỪNG TIẾP NHẬN HỒ SƠ CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VI PHẠM

Đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, trên cơ sở tham khảo mô hình quản lý của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…, dự thảo Nghị định quy định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.

Qua đó, nhằm kiểm soát việc phối hợp thành phần, các chỉ tiêu an toàn và chất lượng sản phẩm, tính năng, công dụng sản phẩm từ khi nghiên cứu phát triển sản phẩm, đến khi đăng ký trước khi lưu thông trên thị trường.

Kiểm soát chất lượng thực phẩm được công bố để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Ảnh minh họa.

Kiểm soát chất lượng thực phẩm được công bố để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Ảnh minh họa.

Hiện Nghị định số 15/2018 chỉ quy định doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố.

Do đó, thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố đơn giản hóa, nhằm nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để sử dụng nhiều thành phần không có tính năng, công dụng trong một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ nhằm mục đích để quảng cáo sản phẩm, mà chưa quan tâm đến an toàn, chất lượng, thực chất công dụng của sản phẩm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, và gỡ bỏ thông tin sản phẩm đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm.

Nội dung này nhằm kiểm soát, nâng cao chất lượng sau khi công bố sản phẩm thực phẩm, phục vụ công tác hậu kiểm.

Đồng thời, quy định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cho đến khi có quyết định xử lý vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân chấp hành xong quyết định xử lý.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-dinh-thuc-pham-bo-sung-phai-dang-ky-ban-cong-bo-san-pham.htm