Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu để đánh giá năng lực nhà đầu tư
Luật Đầu tư năm 2020 quy định những tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nhưng không làm rõ tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu để bảo đảm khả năng huy động vốn thực hiện dự án nên không có cơ sở thẩm định. Do vậy, khi sửa đổi Luật Đầu tư, cần bổ sung quy định về tỷ lệ vốn này, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề xuất.
Bổ sung hình thức lựa chọn nhà đầu tư làm hạ tầng cụm công nghiệp
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) sáng 30.10, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (dự thảo Luật), các đại biểu cơ bản thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Góp ý cụ thể về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, về năng lực tài chính của nhà đầu tư, Luật Đầu tư năm 2020 quy định những tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, nhưng không quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu để bảo đảm khả năng huy động vốn thực hiện dự án đầu tư nên không có cơ sở thẩm định. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo đảm việc huy động nguồn lực thống nhất giữa các dự án.
Về quy định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đại biểu nêu rõ, hiện nay hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chưa được quy định trong dự thảo Luật Đầu tư.
Thực tế, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải thực hiện cả hai thủ tục là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 chỉ quy định 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư; không quy định việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.
Từ phân tích trên, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.
Làm rõ phạm vi quyền hạn của UBND cấp tỉnh
Liên quan thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) dẫn chiếu, tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1.4.2024 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, dự án sản xuất điện gió ngoài khơi. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này tại dự thảo Luật.
Theo ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa – Vũng Tàu), dự thảo Luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án cảng biển đặc biệt có vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng là hợp lý. Xét trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đang có nhu cầu cấp thiết để phát triển hạ tầng cảng biển nhưng gặp khó khăn do phải chờ quyết định từ Trung ương, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, đại biểu nhấn mạnh, đề xuất này vừa giúp giảm tải cho cấp Trung ương, vừa nâng cao tính chủ động của địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, nếu không có quy định rõ về phạm vi quyền hạn của UBND cấp tỉnh đối với các dự án cảng biển loại II và III, nguy cơ chồng chéo với Luật Đất đai 2024 là rất cao. Vì vậy, cần quy định cụ thể các điều kiện và tiêu chí đối với các dự án này để bảo đảm tính thống nhất, tránh gây xung đột trong thực thi pháp luật.
Rõ quy định chấm dứt hoạt động với dự án đã ngừng quá 12 tháng
Một nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định về chấm dứt hoạt động dự án đầu tư. Đại biểu Lã Thanh Tân phân tích, tại điểm c Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020 quy định Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, tổng thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư không quá 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp dự án đầu tư đã ngừng quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư để hướng dẫn thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, nhưng nhà đầu tư không thực hiện.
Vì vậy, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động đối với dự án đầu tư đã ngừng hoạt động quá 12 tháng.
Dự thảo Luật bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 2 Điều 48 (quy định cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp), như sau: “Sau 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư hoặc mục tiêu hoạt động của từng giai đoạn (nếu có) quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh mà nhà đầu tư vẫn không hoàn thành mục tiêu hoạt động này và không thuộc trường hợp được điều chỉnh tiến độ theo quy định, trừ trường hợp bị thu hồi đất quy định tại điểm d khoản này”.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, khi rà soát điểm d, khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư quy định “dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, cũng chưa xác định được việc chậm tiến độ sử dụng đất. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát thêm trường hợp này thì được quy định như thế nào? Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cơ quan đăng ký đầu tư, có được chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư không? Khi có quy định rõ sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho triển khai thực hiện.
Cũng theo đại biểu, Điều 81 Luật Đất đai 2024 có quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Vì vậy, cần rà soát khoản 8, Điều 81 Luật Đất đai để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh tình trạng luật ban hành nhưng chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.
ĐBQH Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đầu tư trong phát triển công nghiệp dược nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này, nhất là với sản xuất thuốc và dược liệu trong nước.
Theo đại biểu, trước đây, định mức đầu tư để được hưởng ưu đãi đặc biệt là quá cao nên không có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp dược. Vì vậy, trong dự thảo Luật cần xem xét hạ mức đầu tư để được hưởng ưu đãi xuống còn 3.000 tỷ đồng, khi đó sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp dược và người dân sẽ được hưởng lợi.