Quy định về chuyển hướng khi tham gia giao thông
Theo quy định, khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ; trong khi chuyển hướng, phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều.
Ông Phạm Thái Linh (Đà Nẵng) đề nghị giải đáp một số thắc mắc vê chuyển hướng khi tham gia giao thông:
- Quy định hiện hành nào định nghĩa hoặc giải thích như thế nào là chuyển hướng khi tham gia giao thông?
- Quy định nào áp dụng cho vạch kẻ đường tại nơi giao nhau? Vạch kẻ đường chia làn đường cùng chiều có nhiều làn xe chạy thì đến vị trí giao nhau có điểm dừng không?
- Khi đi trên đường có điểm giao cắt theo hình chữ Y, mà theo chiều bên phải đi từ (chân) chữ Y là cùng một đường (ví dụ Quốc lộ 1); đường có dải phân cách cứng, gồm 4 làn xe mỗi chiều (Làn 1: xe <30 chỗ + xe rẽ trái; Làn 2 + 3: Xe >30 chỗ + xe tải; Làn 4: xe máy, xe thô sơ). Làn 2, 3 không được rẽ trái. Ông Linh điều khiển xe ô tô đi ở làn 3 và đi theo hướng Quốc lộ 1, vạch kẻ chia làn được kẻ liên tục từ trước cho đến khi qua vị trí giao nhau. Ông Linh hỏi, như vậy có phải ông đã thực hiện chuyển hướng phương tiện không?
Về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Chuyển hướng xe khi tham gia giao thông
Quy định về chuyển hướng xe khi tham gia giao thông đã được quy định tại Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
- Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
- Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
- Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt,đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Vạch kẻ đường và chuyển hướng tại nút giao
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe và được quy định tại Điều 52 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016/BGTVT) và được Bộ Giao thông vận tải ban hành tại Thông tư 06/2016/TT-BGTVT ngày 8/4/2017.
Về việc bố trí các vạch kẻ đường tại các nút giao, trong thiết kế tuyến đường lựa chọn vạch kẻ đường đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và văn cứ chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định bố trí vạch kẻ đường.
Trong câu hỏi cụ thể của ông Phạm Thái Linh không nói rõ ông điều khiển cụ thể loại xe gì; nút giao có bố trí đèn tín hiệu giao thông hay không, hệ thống biển báo tại nút giao. Mặt khác, ông chưa nói đến vạch sơn phân làn là vạch nét liền hay nét đứt. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không thể hướng dẫn cụ thể việc tham gia giao thông tại nút giao để vừa bảo đảm an toàn giao thông, vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra trong quá trình tham gia giao thông trên đường bộ ở một khu vực có bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
- Hiệu lệnh của đèn tín hiệu
- Hiệu lệnh của biển báo hiệu
- Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường
Thời gian vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tăng cường kiểm tra hiện trường, rà soát để điều chỉnh, bổ sung hệ thống an toàn giao thông, trong đó có vạch kẻ đường bất hợp lý nhằm bảo đảm an toàn và tạo thuận lợi cho việc tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.
Mặt khác, các công trình sau khi thi công xong đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác, đã được sự đồng thuận và đánh giá cao của dư luận, nhất là của lái xe, chủ xe. Tuy nhiên, các kết quả này chỉ là ban đầu, Bộ Giao thông vận tải vẫn tiếp tục rà soát để điều chỉnh kịp thời hệ thống báo hiệu đường bộ cho phù hợp, trong đó có Quốc lộ 1.