Quy định về dạy thêm, học thêm: Giải pháp gỡ khó

Quy định mới có hiệu lực đúng giai đoạn tăng cường ôn tập cho kỳ thi cuối cấp quan trọng đầu tiên theo CTGDPT 2018 nên khó tránh khỏi những lo lắng.

Giờ học tại Trường THCS - THPT Trưng Vương (Vĩnh Long). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường THCS - THPT Trưng Vương (Vĩnh Long). Ảnh: NTCC

Các địa phương, cơ sở giáo dục tính toán giải pháp để vừa triển khai nghiêm túc Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ GD&ĐT quy định về dạy - học thêm, vừa bảo đảm công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.

Chủ động tháo gỡ

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) có 340 học sinh lớp 12. Thầy Hiệu trưởng Trần Huy Hoàng cho biết, nhà trường vẫn duy trì hoạt động ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2 tiết/môn không thu tiền học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn được yêu cầu tinh gọn nội dung ôn tập cho ngắn gọn, hiệu quả hơn. Việc phân loại học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp được thực hiện để kêu gọi giáo viên bổ trợ thêm kiến thức ở giai đoạn cuối, theo phong trào thi đua của ngành “70 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025”.

Nhà trường cũng chủ động cho giáo viên đăng ký kinh doanh dạy thêm; đồng thời phối hợp với Trung tâm GDTX - GDNN huyện Điện Biên để tổ chức ôn cho học sinh có nhu cầu học, ôn thêm ngoài tiết ở trường và với số tiền tương đương năm trước, công việc này được triển khai, hoàn thành trước khi văn bản có hiệu lực từ 14/2.

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm quy định đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục, bảo đảm quyền lợi của tất cả học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của người học.

Trước quy định mới này, thầy Trần Huy Hoàng cho biết, nhà trường sẽ xin chỉ đạo của sở GD&ĐT về việc chi trả cho giáo viên ôn thi từ ngân sách Nhà nước giao năm 2025 - nguồn chi thường xuyên, tương đương với số tiết bồi dưỡng học sinh giỏi hiện hành. Tuy nhiên, nội dung này phải chờ có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Để triển khai nghiêm túc Thông tư 29, đồng thời vẫn bảo đảm hiệu quả, chất lượng ôn tập thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT, nhà trường mong sở GD&ĐT sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này để các nhà trường thực hiện đồng bộ, hiệu quả”, thầy Hoàng chia sẻ.

Tại Trường THCS Hà Lộc (Phú Thọ), theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Kiều Oanh, khó khăn của nhà trường là thiếu đội ngũ và giáo viên đang phải dạy vượt định mức. Trong ôn tập, nếu một giáo viên/môn tự nguyện dạy học cho học sinh từ đầu đến cuối thì rất vất vả; trong khi “cắt cử” thầy cô luân phiên dạy lại khó theo sát học sinh và mạch kiến thức.

 Giáo viên Ban Mai School trong giờ dạy. Ảnh: NTCC

Giáo viên Ban Mai School trong giờ dạy. Ảnh: NTCC

Quy định mới có hiệu lực đúng giai đoạn tăng cường ôn tập cho kỳ thi cuối cấp quan trọng đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 nên khó tránh khỏi có những lo lắng. Do vậy, nhà trường đã làm công tác tư tưởng, ổn định, động viên cả thầy và trò, yêu cầu giáo viên hỗ trợ giao bài tập cho học sinh qua nhóm Zalo.

Hiện nhà trường, giáo viên triển khai hướng dẫn học sinh lớp 9 về phương pháp tự học. Việc tổ chức ôn tập cho học sinh theo Thông tư 29 cần có sự điều chỉnh phân công chuyên môn, đặc biệt tạo sự đồng thuận tự nguyện của thầy cô hỗ trợ các em nếu trường hợp nhà trường không có nguồn chi trả.

Hiện, Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) tổ chức dạy ôn tập cho học sinh vào các buổi chiều với 4 buổi/tuần, 3 tiết/buổi (theo quy định của UBND tỉnh). Trong các buổi này, giáo viên củng cố, ôn luyện cho học sinh; phân loại đối tượng theo môn, lớp để ôn tập. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường chờ hướng dẫn của tỉnh để triển khai.

“Theo Thông tư 29, hoạt động dạy thêm trong nhà trường với học sinh có nguyện vọng ôn thi vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp THPT là không thu tiền. Tuy nhiên, khi học sinh học hết chương trình cũng đồng thời thầy cô đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình Bộ GD&ĐT ban hành. Khi đó, nếu học sinh có nguyện vọng học, nhà trường tổ chức mà không thu tiền thì kinh phí để chi trả cho giáo viên ôn tập là một thách thức đối với nhà trường”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng cho biết, khi Thông tư 29 chưa có hiệu lực, nhà trường vẫn tổ chức học và ôn tập bình thường như kế hoạch. Khi Thông tư có hiệu lực, việc triển khai sẽ chờ hướng dẫn của tỉnh; tuy nhiên tinh thần của nhà trường là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh.

 Giờ học tại Trường THPT Phú Bài (TP Huế). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường THPT Phú Bài (TP Huế). Ảnh: NTCC

Tăng cường tự học và tự học có hướng dẫn

Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, sở đã có văn bản gửi các nhà trường về việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường về tổ chức dạy và học, kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT năm học 2024 - 2025.

Trong đó, riêng về việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu Thông tư số 29/2024/TT/BGDĐT để tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp, tham mưu các cấp lãnh đạo để ban hành các quy định và hướng dẫn hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Tuấn Khanh nhấn mạnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục phát huy nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy và học; khắc phục những hạn chế về quản lý và chuyên môn ở học kỳ I, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường ở học kỳ II phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo hoàn thành chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và kiểm tra cuối kỳ II trước ngày 25/5/2025 (tuần thứ 35).

Kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến để tăng cường khả năng tự học, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh có sự hướng dẫn, tư vấn kiểm tra chặt chẽ của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và phụ huynh học sinh đảm bảo học sinh học tập, ôn tập thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10 đạt hiệu quả.

“Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu sắp xếp thời khóa biểu hợp lý đảm bảo học sinh lớp 9, 12 tham gia học tập đủ các ngày trong tuần nhằm giúp học sinh tự học hoặc tự học có hướng dẫn của giáo viên. Sau khi kiểm tra cuối kỳ II, các môn học và hoạt động giáo dục chưa hoàn thành chương trình, nhà trường tiếp tục tổ chức dạy và học để kết thúc chương trình theo quy định.

Khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong dạy và học; chú trọng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện tính tự lực, tự cường, phương pháp tự học, kỹ năng thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của học sinh”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.

 Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Tham mưu chính sách hỗ trợ giáo viên

Chia sẻ suy nghĩ cá nhân, ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng: Điểm c, Khoản 4 Điều 5 của Thông tư số 29 quy định: Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần. Khi thực hiện quy định này, việc ôn thi học sinh giỏi, tuyển sinh và tốt nghiệp THPT cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp. Đây là vấn đề mà các cơ sở giáo dục cần rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học 2025 - 2026 và những năm tiếp theo.

Riêng năm học này, việc ôn tập cho học sinh khối 9 và khối 12 sẽ ít nhiều bị động về thời lượng ôn tập. Để đảm bảo được chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT năm 2018 và yêu cầu của đề thi tham khảo được công bố vào 18/10/2024 có thể nhiều phụ huynh tiếp tục cho con em mình học thêm bên ngoài nhà trường.

Khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 29 quy định: “Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.

Quy định này tiếp tục tái khẳng định sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước, ngành Giáo dục đối với 3 nhóm học sinh: Có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo đó, chính quyền các cấp sẽ cấp ngân sách để các nhà trường sử dụng cho các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; đồng thời cơ sở giáo dục sẽ sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để sử dụng cho hoạt động này. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Ngoãn cũng cho rằng cần có lộ trình phù hợp để triển khai chính sách trên.

Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã tổ chức riêng một hội nghị triển khai Thông tư 29. Tại hội nghị này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Sơn yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để giáo viên hiểu và thực hiện đúng Thông tư 29. Các phòng thuộc sở chịu trách nhiệm giải đáp các thắc mắc có liên quan trong quá trình thực hiện Thông tư này.

Cùng đó, xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm trong nhà trường đảm bảo công khai, minh bạch, đúng các quy định của Thông tư 29. Thủ trưởng các đơn vị quản lý tốt việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường, có thể hiện bằng nghị quyết, kết luận, cử lãnh đạo đơn vị phụ trách công tác dạy thêm, học thêm.

Các phòng chức năng của Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Sở, UBND, HĐND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh đồng thời với các chính sách hỗ trợ cho giáo viên khi tham gia công tác dạy thêm trong nhà trường cho các đối tượng theo quy định.

Ngày 7/2, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ tịch UBND cấp tỉnh về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Trong đó nhấn mạnh việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định. Kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-giai-phap-go-kho-post720448.html