Quy định về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi
Trong quá trình chăn nuôi tại các tổ chức, cá nhân, ngoài việc người chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên thì cũng cần đến các loại thức ăn dành cho chăn nuôi để hỗ trợ cho con vật có thêm đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giúp phát triển thể trạng vật nuôi tốt hơn.
Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT, ngày 28-11-2019 về việc Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi (LCN) về thức ăn chăn nuôi. Trên cơ sở quy định của Thông tư số 21, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai các lớp tập huấn tại 109 xã, phường, thị trấn đến đội ngũ thú y địa phương, cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các địa phương để họ nắm vững các quy định mà LCN đã ban hành có hiệu lực. Qua đó, giới thiệu một số điều của thông tư này đến người chăn nuôi, hộ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT, ngày 28-11-2019 gồm có 3 chương, 9 điều và 6 phụ lục. Tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh là Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của LCN về thức ăn chăn nuôi (TACN) như: tiêu chuẩn công bố áp dụng; ghi nhãn TACN; danh mục chất cấm, danh mục nguyên liệu được phép sử dụng trong TACN; mẫu báo cáo sản xuất TACN. Điều 2. Thông tư áp dụng dành cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến TACN trên lãnh thổ Việt Nam. Điều 3. Chỉ tiêu chất lượng TACN bắt buộc phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng được Quy định tại Phụ lục 1 là chỉ tiêu chất lượng bắt buộc phải công bố (không thay đổi so với Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT) và một số điểm mới trong tiêu chuẩn công bố như: TACN sản xuất trong nước có chứa hoạt chất chưa có phòng thử nghiệm được chỉ định thì không phải công bố hàm lượng hoạt chất đó trong bảng chỉ tiêu chất lượng nhưng phải ghi thành phần định lượng nguyên liệu chứa hoạt chất và tên hoạt chất; không bắt buộc phải ghi cụ thể hạn sử dụng của sản phẩm trong tiêu chuẩn công bố áp dụng khi công bố thông tin sản phẩm, nhưng bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trong quá trình sản xuất, lưu thông sản phẩm.
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4 Quy định về ghi nhãn TACN của Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT về một số điểm mới của TACN. Là hàng rời khi lưu thông phải có tài liệu kèm theo tại Phụ lục III, trừ trường hợp TACN truyền thống chưa qua chế biến và bán trực tiếp cho người chăn nuôi; TACN theo đặt hàng, TACN tiêu thụ nội bộ có bao bì khi lưu thông không phải ghi nhãn nhưng phải có dấu hiệu trên bao bì để nhận biết và có tài liệu kèm theo. Đồng thời, nội dung tối thiểu thể hiện trên nhãn TACN (Phụ lục II) cũng nêu các điểm mới về tên thương mại (nếu có); không bắt buộc phải ghi cụ thể hạn sử dụng trên mẫu nhãn khi công bố thông tin sản phẩm, nhưng bắt buộc phải ghi trong quá trình sản xuất, lưu thông sản phẩm. Ngoài các nội dung bắt buộc, có thể ghi thêm: công dụng, lô sản xuất, biểu tượng, mã số, hình vẽ, quảng cáo…) nhưng không được trái quy định về ghi nhãn (Nghị định số 43/2017/NĐ-CP); nguyên liệu thức ăn truyền thống, nguyên liệu đơn được sử dụng làm thực phẩm tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nếu đã được ghi nhãn theo quy định của pháp luật về thực phẩm thì không bắt buộc phải ghi nhãn theo quy định của Thông tư này… Điều 6. Danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong TACN và danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm TACN (Phụ lục V, VI).
Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm TACN (Phụ lục VI) trong đó bao gồm Danh mục nguyên liệu TACN truyền thống, như: nguyên liệu có nguồn gốc thủy sản là cá, bột cá, dịch cá… các nguyên liệu khác từ thủy sản được sản xuất làm TACN; nguyên liệu có nguồn gốc động vật trên cạn là bột xương, bột thịt, bột côn trùng… các sản phẩm khác từ động vật trên cạn được sản xuất làm TACN; nguyên liệu từ thực vật là bắp, lúa, cám, hạt khác, củ, quả… các sản phẩm khác từ thực vật được sản xuất làm TACN; nguyên liệu dầu, mỡ là từ thủy sản, động vật trên cạn, thực vật; đường đơn như Glucose, lactose, đường đơn khác; nguyên liệu khác và Danh mục nguyên liệu đơn được phép sử dụng làm TACN, như: chất dinh dưỡng vitamin, axit amin, khoáng; chất hỗ trợ vật nuôi enzyme, vi sinh vật có lợi; chất kỹ thuật (duy trì hoặc cải thiện đặc tính của TACN); chất tạo màu; chất tạo mùi, vị; nguyên liệu đơn khác được sử dụng làm thực phẩm tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về ATTP…