Quy định về khám giám định phơi nhiễm chất độc hóa học
Ông Đào Hoài Phúc (Hà Nội) tham gia chiến đấu tại khu vực quân đội Mỹ rải chất độc hóa học. Theo kết luận của bác sĩ, ông bị gai xương thoái hóa bờ thân các đốt sống. Ông Phúc hỏi, như vậy có phải ông bị phơi nhiễm chất độc hóa học không?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT- BYT-BLĐTBXH về hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.
Tại Điều 7 của Thông tư này đã quy định rõ Danh mục 17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Theo đó, việc xác định đối tượng, lập hồ sơ, giới thiệu đối tượng đến Hội đồng giám định y khoa để khám giám định bệnh, tật và việc xem xét, công nhận đối tượng là người có công với cách mạng, giải quyết chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học thuộc thẩm quyền của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngành Y tế có nhiệm vụ tổ chức khám giám định y khoa bệnh, tật, dị tật, dị dạng có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến.
Vì vậy, nếu ông mắc bệnh thuộc Danh mục 17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học tại Thông tư nêu trên đề nghị liên hệ với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nơi ông sinh sống để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.