Quy định về ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh?
* Bạn đọc Lê Thị Ánh Nguyệt ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định về ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 3 Nghị định số 49/2025/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 28-2-2025. Cụ thể như sau:
Áp dụng ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh:
1. Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và số tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
2. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ từ 500 triệu đồng trở lên và số tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.
3. Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký có số tiền thuế nợ quá thời hạn nộp theo quy định và sau thời gian 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế thông báo về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
4. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam có số tiền thuế nợ quá thời hạn nộp theo quy định mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
* Bạn đọc Trần Hoài Nam ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những hành vi nào bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Cụ thể như sau:
1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.
2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.
3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.
5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.