Quy định về thuế GTGT khiến Việt Nam 'cho không' đối tác tiền thuế rất lớn

VCCI cho rằng quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã khiến Việt Nam 'cho không' các nước đối tác số tiền thuế rất lớn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Việt Nam đang “cho không” đối tác tiền thuế

Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện quy định về đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác…

Các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa thuộc nhóm này đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế GTGT cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, sản phẩm tương tự nhập khẩu cũng không phải chịu thuế GTGT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác.

Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hóa nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo khảo sát nhanh của VCCI đối với một số doanh nghiệp có liên quan, số thuế GTGT chưa được khấu trừ của các mặt hàng trên xuất phát từ các chi phí đầu vào chịu thuế và một số chi phí khác. Tỷ lệ thuế GTGT chưa được khấu trừ có thể dao động từ 1% đối với một số loại nông sản đến 8% đối với phân bón, máy móc.

“Quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu có chi phí thuế thấp hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước chính là chi phí thuế GTGT chưa được khấu trừ kể trên”, VCCI nêu.

VCCI góp ý về Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

VCCI góp ý về Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Cơ quan này đánh giá đây là vấn đề nghiêm trọng, tồn tại từ nhiều năm nay và cần được giải quyết một cách thấu đáo trong lần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, nếu không sẽ khiến sản xuất trong nước tiếp tục chịu thua thiệt, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của đất nước.

VCCI cho rằng, nếu so sánh với thuế nhập khẩu, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Việt Nam chỉ chấp nhận hạ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng với một số đối tác theo nguyên tắc có đi có lại. Tức là các nước khác cũng phải đồng ý mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đã khiến Việt Nam “cho không” tất cả các nước đối tác số tiền thuế rất lớn và “mở toang” thị trường trong nước của rất nhiều mặt hàng với lợi thế cho hàng nhập khẩu.

VCCI đề nghị đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam không nhập khẩu từ nước ngoài (hoàn toàn tự sản xuất, cung ứng và tiêu dùng trong nước) thì tiếp tục duy trì diện không chịu thuế; đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có nhập khẩu từ nước ngoài để tiêu dùng trong nước thì cần loại bỏ khỏi diện không chịu thuế mà chuyển sang các mức thuế suất phù hợp.

4 phương án về thuế GTGT

Về các mức thuế suất khi chuyển các mặt hàng không chịu thuế, VCCI cũng gợi ý một số phương án.

Phương án 1: Chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5%.

Phương án này không tạo thêm thuế mới và có lợi lớn cho những doanh nghiệp sản xuất trong nước có tỷ trọng thuế GTGT chưa khấu trừ lớn hơn 5%. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có tỷ trọng thuế GTGT chưa khấu trừ nhỏ hơn 5% thì việc chuyển về mức 5% chưa bảo đảm lợi ích.

Phương án 2: Chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất 5% hoặc 0%.

Phương án này ngoài các ưu điểm như trên thì nhược điểm là khiến ngân sách nhà nước phải chi nhiều tiền để hoàn thuế cho các doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ gian lận thuế cao, chi phí hành thu (quản lý thuế) rất lớn.

4 phương án cho thuế giá trị gia tăng

4 phương án cho thuế giá trị gia tăng

Phương án 3: Chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau.

Cụ thể, mức thuế suất mới luôn thấp hơn so với chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm sản xuất trong nước. Ví dụ, đối với mặt hàng có chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ 6% trong giá thành sản phẩm thì nên chuyển sang diện thuế suất 5%; mặt hàng có chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ 4% thì có thể chuyển về mức 3%.

Phương án này sẽ khiến các mặt hàng sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu chịu chung một mức thuế suất, xóa bỏ toàn bộ việc bảo hộ ngược và nghĩa vụ thuế cuối cùng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước hầu như không thay đổi.

Trong khi đó, hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu sẽ phải đóng thuế ở khâu nhập khẩu, thay vì không chịu thuế như hiện nay. Ngân sách nhà nước có thể hụt thu một chút từ hàng hóa sản xuất trong nước, nhưng lại thu thêm được nhiều hơn từ hàng hóa nhập khẩu.

Phương án 4: Cho phép doanh nghiệp trong nước chọn phương pháp tính thuế.

Theo phương án này, toàn bộ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (không thuộc diện xuất khẩu) được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%. Theo đó, chuyển toàn bộ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.

Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% vẫn tiếp tục thực hiện các quy định về thuế như hiện hành. Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% được bổ sung vào diện cho phép lựa chọn phương pháp tính thuế khấu trừ hoặc phương pháp tính thuế trực tiếp (tại các Điều 10 và Điều 11 của Luật).

Phương án này có ưu điểm là cơ quan soạn thảo không cần thực hiện khảo sát để tìm hiểu chi phí thuế chưa được khấu trừ trung bình của các loại hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước là bao nhiêu, đồng thời cũng không phát sinh các mức thuế mới mà vẫn chỉ có các mức 5% và 10% như hiện hành.

Phương án này có nhược điểm là có nguy cơ bị phản ánh là hàng hóa nhập khẩu bị đối xử kém thuận lợi hơn so với hàng hóa trong nước, do hàng hóa nhập khẩu buộc phải nộp thuế 5% trên giá trị hải quan, còn hàng hóa trong nước được lựa chọn nộp theo phương pháp khấu trừ (5% trên GTGT) hoặc phương pháp trực tiếp (không được khấu trừ thuế đầu vào). Tuy nhiên, nguy cơ này không cao.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quy-dinh-ve-thue-gtgt-khien-viet-nam-cho-khong-doi-tac-tien-thue-rat-lon-203188.html