Quy định về tội làm bằng giả
Bạn tôi mua bằng tốt nghiệp cao đẳng giả, tại trường bạn đó học nhưng chưa tốt nghiệp.
Ngày 19/04/2016 bạn tôi mang bằng đi công chứng bị UNBD phường phát hiện, nên giữ bạn cùng tang vật, lấy lời khai và thừa nhận hành vi phạm pháp của mình.
Bạn tôi nói muốn phụ giúp gia đình sớm nên mua bằng để đi xin việc kiếm tiền. Sau khi lấy lời khai, vì hoảng sợ quá nên bạn tôi đã lấy biên bản và tang vật bỏ trốn, nhưng lại bỏ quên xe máy do bố đứng tên. Xe đang bị ủy ban tạm giữ.
Xin hỏi luật sư, hành vi của bạn tôi đã đủ cấu thành tội danh gì chưa? Cha bạn tôi có giấy tờ xe thì có thể lên phường xin lại xe được không? Hiện tại bạn tôi đã tiêu hủy hết tang vật và bỏ trốn khỏi địa phương không liên lạc được?
* Trả lời:
Đối với hành vi sử dụng bằng giả:
Theo quy định tại Nghị Định 23/2015/NĐ-CP Điều 9. Nghĩa vụ, quyền của người thực hiện chứng thực
“6. Lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực được cấp sai thẩm quyền, giả mạo hoặc có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.”
Người thực hiện chứng thực có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực.
Khi phát hiện giấy tờ văn bản được cấp sai thẩm quyền, giả mạo thì người thực hiện công chứng được quyền lập biên bản tạm giữ và chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.
Nếu kết quả xác minh là giả thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định để xử phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy giấy tờ, văn bản giả đó. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, số lần vi phạm của người chứng thực thì có thể xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo điều 267 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử lý hành chính. Hình thức là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả theo khoản 3, khoản 5, điều 16 Nghị định số 138 của Chính phủ ngày 22-10-2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục). Ngoài việc phạt tiền còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Đối với xử lý chiếc xe bạn tham khảo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012,Điều 82. Bạn liên hệ với ủy ban nơi tạm giữ xe để được hướng dẫn.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/quy-dinh-ve-toi-lam-bang-gia-1879433-l.html