Quy định về tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng

Bạn đọc Hoàng Văn Điều ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết quy định về tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 32 Luật An ninh mạng năm 2018, cụ thể như sau:

1. Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ, kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, có nguyện vọng thì có thể được tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

2. Ưu tiên đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng có chất lượng cao.

3. Ưu tiên phát triển cơ sở đào tạo an ninh mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích liên kết, tạo cơ hội hợp tác về an ninh mạng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, trong nước và ngoài nước.

* Bạn đọc Lê Thị Bình ở thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Việc giám sát công tác phòng, chống tham nhũng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 7 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, cụ thể:

1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

2. Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực do mình phụ trách.

3. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

4. Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.

5. Hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân, ban của hội đồng nhân dân, tổ đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/quy-dinh-ve-tuyen-chon-dao-tao-phat-trien-luc-luong-bao-ve-an-ninh-mang-650971