Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Chính phủ ban hành nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở

Chính phủ ban hành nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở

Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: a) Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); b) Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác

Nghị định yêu cầu việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà; tổ chức, cá nhân thuê nhà; cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí nhà, đất sử dụng tạm thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Phương thức cho thuê nhà

Theo quy định, việc cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá quy định dưới đây.

Việc cho thuê nhà được thực hiện theo phương thức niêm yết giá đối với các trường hợp sau:

- Cho các đối tượng ưu tiên thuê nhà; đối tượng ưu tiên gồm: Tổ chức hội có tính chất đặc thù theo quy định của pháp luật về hội thuê để làm trụ sở làm việc trong trường hợp chưa có trụ sở làm việc; cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thuộc danh mục chi tiết các loại hình và đáp ứng tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Cho thuê nhà có số tiền thuê nhà xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này tại thời điểm xác định giá để cho thuê dưới 50 triệu đồng/năm.

- Cho thuê nhà đối với nhà, đất trong thời gian chờ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Diện tích nhà cho thuê

Diện tích nhà cho thuê là toàn bộ diện tích sàn sử dụng, bao gồm cả diện tích sử dụng riêng cho từng đối tượng và diện tích sử dụng chung (nếu có). Trường hợp một nhà có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thuê mà có phần diện tích sử dụng chung (không phân định được phần diện tích cụ thể được sử dụng của từng tổ chức, cá nhân thuê) thì phần diện tích sử dụng chung được phân bổ tương ứng cho phần diện tích sử dụng riêng để tính tiền thuê cho từng đối tượng thuê.

Thời hạn cho thuê nhà và gia hạn thời hạn cho thuê nhà

1. Thời hạn cho thuê nhà tối đa là 05 năm. Trường hợp cho thuê nhà đối với nhà, đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định này thì thời hạn cho thuê nhà tối đa là 03 năm.

Trường hợp gia hạn thời hạn cho thuê nhà theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn cho thuê lần trước liền kề.

2. Gia hạn thời hạn cho thuê nhà

a) Việc gia hạn thời hạn cho thuê nhà được áp dụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân đang thuê nhà có nhu cầu tiếp tục thuê mà trong quá trình thuê sử dụng nhà, đất đúng mục đích thuê, thực hiện đầy đủ, đúng hạn việc thanh toán tiền thuê nhà và các nghĩa vụ khác theo Hợp đồng ký với tổ chức quản lý, kinh doanh nhà. Không phải thực hiện thủ tục đấu giá hoặc niêm yết giá khi gia hạn thời hạn cho thuê nhà.

Trường hợp Nhà nước có nhu cầu sử dụng nhà, đất đang cho thuê vào mục đích khác hoặc bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này sử dụng tạm thời hoặc xử lý theo quy định của pháp luật thì không gia hạn thời hạn cho thuê.

b) Chậm nhất là 03 tháng trước ngày Hợp đồng thuê nhà hết hạn, tổ chức, cá nhân thuê nhà có nhu cầu gia hạn có văn bản gửi tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.

Riêng đối với Hợp đồng thuê nhà có thời hạn ít hơn 03 tháng, chậm nhất là 01 tháng trước ngày Hợp đồng thuê nhà hết hạn, tổ chức, cá nhân thuê nhà có nhu cầu gia hạn có văn bản gửi tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.

c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn của tổ chức, cá nhân đang thuê, tổ chức quản lý, kinh doanh nhà xem xét, quyết định việc gia hạn hoặc không gia hạn thời hạn cho thuê nhà, thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn được biết.

d) Trường hợp được gia hạn thời hạn cho thuê nhà, tổ chức quản lý, kinh doanh nhà và tổ chức, cá nhân được gia hạn thời hạn thuê nhà ký Phụ lục Hợp đồng thuê nhà. Giá cho thuê nhà được xác định theo Bảng giá cho thuê nhà (bao gồm cả trường hợp phải điều chỉnh nếu giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai của cơ sở nhà, đất có nhà đang cho thuê có thay đổi) có hiệu lực tại thời điểm gia hạn.

Quản lý số tiền thu được từ khai thác nhà, đất

Nghị định quy định tổ chức, cá nhân được tổ chức quản lý, kinh doanh nhà cho thuê nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thuê nhà cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo đúng thời hạn quy định tại Hợp đồng thuê nhà. Trường hợp quá thời hạn thanh toán mà tổ chức, cá nhân thuê nhà chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đầy đủ thì phải nộp khoản tiền chậm nộp cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng nhà, đất tạm thời có trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng tạm thời nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo quy định.

Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm nộp đầy đủ số tiền thu được từ khai thác nhà, đất (tiền thuê nhà, tiền chậm nộp, chi phí sử dụng nhà, đất tạm thời theo quy định), số tiền thu được do lắp đặt công trình viễn thông trên nhà, đất của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà theo quy định của pháp luật về viễn thông phát sinh trong tháng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30 của tháng đó.

Căn cứ Điều 7 Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định hồ sơ quản lý nhà, đất:

1. Hồ sơ quản lý nhà, đất gồm:

a) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành tài sản.

b) Hồ sơ liên quan đến việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng tài sản.

c) Hồ sơ liên quan đến biến động tài sản.

d) Hồ sơ khai thác tài sản.

đ) Hồ sơ khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản (nếu có).

2. Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật có liên quan đối với các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này.

Trách nhiệm lập, quản lý, lưu trữ đối với các hồ sơ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật có liên quan.

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/quy-dinh-viec-khai-thac-nha--dat-la-tai-san-cong-khong-su-dung-de-o-125789.htm