Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa thành lập: Nguồn thu và Cơ chế quản lý là nguyên nhân chính

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã dành 3 Điều 45, 46, 47 cho nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có mục đích hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim...

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Điện ảnh đến nay Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được thành lập. Việc dự thảo luật lần này tiếp tục đề xuất thành lập Quỹ liệu có thỏa đáng? Cần thiết làm rõ lý do tại sao đến nay Quỹ chưa được thành lập.

Ông TRẦN VĂN TIẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Trong những năm gần đây, hầu hết các luật ban hành đều hạn chế quy định việc thành lập quỹ trong luật. Việc lập Quỹ cần cân nhắc kỹ và đảm bảo không làm tăng bộ máy và biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.”

Ông TRẦN ĐÌNH GIA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Tôi thấy cần phải làm rõ giải pháp như thế nào để việc hình thành quỹ, quản lý, sử dụng quỹ như thế nào để điều luật này có tính khả thi. Tránh tình trạng sau một lần sửa đổi điều luật không được thực thi mà lần này lại không được thực thi thì rất băn khoăn. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp cụ thể để có thể xây dựng, hình thành và phát huy giá trị của Quỹ phát triển điện ảnh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm không nên qui định “trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình” vì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thành lập, việc quy định như vậy sẽ là không hợp lý.

Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: “Qúa trình sản xuất và phát sóng phim của các đài truyền hình rất tốn kém, chi phí mỗi tập phim Việt Nam khoảng 300 triệu đồng, trong khi nguồn thu từ quảng cáo trong nhiều chương trình phim truyện hiện nay đôi khi không bù đắp chi phí sản xuất cũng như tiền mua bản quyền. Vì thế việc trích thêm một khoản từ nguồn thu quảng cáo trong các chương trình phim truyện sẽ gây khó khăn về kinh phí sản xuất, chi phí sản xuất lớn và không được hỗ trợ từ Nhà nước trong khi phải đảm bảo việc sản xuất và phát sóng liên tục để tạo thành một khung giờ quen thuộc với khán giả.”

Lý giải vì sao Luật Điện ảnh từ 2006 đưa ra việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh nhưng đến nay chưa thực hiện được, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguyên nhân khó khăn về nguồn thu cũng như là cơ chế quản lý quỹ chưa được rõ vì vậy đến nay quỹ vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Thứ nhất là khó khăn về nguồn thu. Nguồn thu của Luật Điện ảnh 2006 không được quy định trong luật và trong nghị định. Vì thế khi triển khai thì không thể đề xuất để xây dựng quỹ. Thứ hai, cơ chế quản lý quỹ cũng chưa rõ là đơn vị sự nghiệp hay là doanh nghiệp hay tổ chức tài chính vì vậy cũng rất khó tổ chức. Tôi đã đọc lại các văn bản, tờ trình của lãnh đạo bộ qua các thời kỳ, chúng tôi nhận thấy có hai lần lãnh đạo bộ đã có báo cáo với Chính phủ. Tuy nhiên Chính phủ đã cho ý kiến tạm dừng và đề nghị nghiên cứu để đưa vào trong dự thảo sửa luật lần này. Lý do chậm trễ là như thế”

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng nhấn mạnh phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và chính trị. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Chính vì vậy với một ngành công nghiệp điện ảnh, với một lĩnh vực nghệ thuật nếu không được quan tâm, không được đầu tư sẽ rất khó khăn. Bộ trưởng mong muốn có một sự đầu tư thỏa đáng cho điên ảnh còn đang non trẻ so với sự phát triển của các quốc gia khác.

Thực hiện : Ngô Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quy-ho-tro-phat-trien-dien-anh-chua-thanh-lap-nguon-thu-va-co-che-quan-ly-la-nguyen-nhan-chinh