Quy hoạch bãi sông Hồng: Tôn trọng thiên nhiên, tránh bê tông hóa
Quy hoạch bãi hai bên sông Hồng, cần tránh cao tầng hóa bám theo sông, để ra các khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tránh tạo thành một bức tường bê tông phản cảm.
Quy hoạch phải hài hòa với thiên nhiên
Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên và Gia Lâm, nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại đây, đại diện liên danh tư vấn đề xuất tại khu vực Gia Lâm, Long Biên nghiên cứu hình thành các khu thương mại - dịch vụ - du lịch - vui chơi quy mô lớn để cạnh tranh với các trung tâm vui chơi nổi tiếng của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các chủ đề thiết kế gắn với các lợi thế về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên.
Khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì được đề xuất phát triển các công trình thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại, trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ quốc tế; xây dựng các mô hình kinh tế đêm phù hợp với giới trẻ, hiện đại, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Về quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng, đơn vị tư vấn định hướng tạo mặt bằng bãi theo hình ruộng bậc thang theo mực nước dâng. Vào mùa cạn, khu vực sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe, hoạt động thể thao, kinh doanh dịch vụ và khi nước dâng trở thành dòng chảy. Các cầu cạn được xây dựng chạy dọc theo mép sông, tạo thành mặt sàn bê tông dọc hai bên sông; phía ngoài cùng sát mép nước làm 2 tuyến đường chạy dọc mép nước hai bên sông.
Theo kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để quần cư/tụ cư, từ chỗ là nguồn nước để làm nông và sinh hoạt đã hình thành những điểm dân cư nông thôn rồi là tuyến giao thông – thương mại để phát triển các điểm dân cư đô thị. Vì vậy, dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị, đáp ứng nhu cầu: cấp thoát nước, giao thông vận tải, phòng vệ. Ở chiều ngược lại, đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Nói cách khác là cách con người ứng xử với sông sẽ phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị.
Do vậy, ứng xử với dòng sông trong đô thị cần quan tâm ba yếu tố. Thứ nhất là liên kết yếu tố thiên nhiên từ sông vào sâu trong đô thị. Thứ hai là tự nhiên hóa ranh giới giữa dòng sông và phần xây dựng đô thị. Thứ ba là kiến trúc đô thị hai bên (hình thái, cấu trúc, mật độ, độ cao) phụ thuộc vào từng con sông (sông nhỏ hay lớn, hiền hay dữ, có đê hay không,…).
Ba vấn đề này cần được soi chiếu bởi một triết lý chủ đạo: Chia sẻ (cơ hội – lợi ích – trách nhiệm) trên quan điểm tôn trọng nước để dòng sông là của cộng đồng, là không gian mở để người dân dễ dàng tiếp cận và kết nối thân thiện. Triết lý này có thể hiểu là cách ứng xử hài hòa giữa Đô thị (đất) và Sông (nước).
Hạn chế tối đa bê tông và cao tầng hóa
Về mật độ xây dựng, cần thận trọng "cao tầng hóa" bám theo sông, nên tổ chức thành từng cụm cách xa nhau để có khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tạo độ thông thoáng tránh tạo thành một bức tường bê-tông phản cảm. Những bức tường đó là một dạng quy hoạch "bóc lột" dòng sông thường thấy, nhằm khai thác tối đa diện tích tự nhiên chỉ để tạo lợi nhuận cho số ít người, không vì lợi ích chung của cộng đồng và không nghĩ đến việc phát triển cân bằng.
PGS. TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) khẳng định, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một vấn đề lớn đối với đô thị Hà Nội ở nhiều khía cạnh. Trong đó có vấn đề thiên tai - thoát lũ, môi trường sinh thái... Vì vậy, việc xây dựng đồ án quy hoạch phải được nhìn nhận một cách thật sự cẩn thận, thấu đáo. Không đơn giản là câu chuyện đặt lên trên hai bờ sông Hồng những dự án, công trình kiến trúc.
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, trước hết phải tập trung đánh giá quy hoạch phòng, chống lũ cho lưu vực sông Hồng, với những tình huống kịch bản cụ thể trong tương lai, kể cả các sự cố. Điều đó có nghĩa là, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phải gắn chặt và tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường.
"Tác động môi trường thì rất rõ rồi. Vì khi đặt hệ thống một khu đô thị lớn rõ ràng luôn đi đôi với vấn đề môi trường. Tại vì từ trước đến nay câu chuyện ấy chúng ta cẩn thận. Sông Hồng hiện nay thì mức độ ô nhiễm chưa lớn, vẫn còn khả năng pha loãng. Nhưng mà trong tương lai nếu là vấn đề khi chúng ta phát triển ồ ạt và các khu đô thị lên thì sức chịu tải của các dòng sông nó không chịu tải nổi, tác động môi trường rất lớn" - PGS.TS Đào Trọng Tứ nói
Hiến kế để đồ án phân khu đô thị hai bờ sông Hồng là một bản quy hoạch chất lượng, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là hình thành được bố cục, cảnh quan và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể tiếp cận sông Hồng. Con sông mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổ bật là văn hóa Thăng Long, biểu tượng nền văn minh lúa nước - vùng đồng bằng Bắc Bộ phải trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí lớn không chỉ của cư dân Thủ đô mà mọi du khách khi đến với Hà Nội.
Cùng với việc hạn chế nhà cao tầng, cần tập trung vào những đồ án phía sau của phân khu là đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, tổ chức thi tuyển ý tưởng những khu chức năng như: giữa sông, hai bên bờ, trên đê... để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên và dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long. Điều đó rất cần tầm nhìn và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố.
"Hà Nội nên thành lập một ban quản lý về các đô thị sông Hồng ngay từ bây giờ. Ban này phải có trách nhiệm làm việc với tinh thần rất cao là có quy chế quản lý, tổ chức và phải có một kiến trúc sư trưởng hàng đầu ở đấy để cùng với các sở, ban, ngành quản lý toàn bộ sự phát triển ở đấy. Bởi vì sau đấy là còn điện nước này, vấn đề thoát nước bẩn, về trồng cây xanh rồi hệ thống trồng cây xanh cho sông Hồng cũng là công việc lớn" - kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nói.
Theo các chuyên gia, quy hoạch phần liền kề với sông luôn cần ý thức chia sẻ nguồn tài nguyên vô giá này với tất cả mọi người qua các không gian công cộng mở thân thiện. Dòng sông là của cộng đồng nên khi quy hoạch khu vực hai bên sông, cần tạo cơ hội lớn nhất cho cư dân đô thị tiếp cận sông. Như thế, chúng ta không chỉ quy hoạch những dải đất ven sông, mà cả những tuyến đường kết nối ra sông nhằm dễ dàng cho khu vực nằm sau lưng mặt tiền sông được tiếp cận. Thêm vào đó, cần tổ chức giao thông công cộng hợp lý để khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp.