Quy hoạch Đà Lạt: Hồi sinh cấu trúc phố trong rừng, rừng trong phố
Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2045 giải quyết các vấn đề bất cập nội tại mà Đà Lạt đang gặp phải, hướng đến xây dựng và kiến thiết ổn định, lâu dài, khai phá các tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng của Đà Lạt.
Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 257 về điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2045. Đây là định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, giải quyết các vấn đề bất cập nội tại mà Đà Lạt đang gặp phải, hướng đến xây dựng và kiến thiết ổn định, lâu dài, khai phá các tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng của Đà Lạt. Trong đó, cùng với các giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, phố trong rừng– rừng trong phố là yếu tố sống còn cần tiếp tục được bảo tồn, phát triển Đà Lạt trở thành đô thị xanh trực thuộc Trung ương.
Đà Lạt từ lâu đã trở thành thành phố du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, được nhiều người biết đến các tên gọi khác như “Thành phố mù sương”, Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố Paris thu nhỏ”… Thế nhưng, do áp lực phát triển nhanh của đô thị trong vài thập niên trở lại đây đã gây nên nhiều hệ lụy, tác động thiếu bền vững cho Đà Lạt. Trong đó, những vấn đề nội tại dễ dàng thấy được đó là tình trạng kẹt xe cục bộ, ngập úng khi trời mưa, sương mù ít dần, công trình di sản bị xâm hại, mảng xanh nội thị thu hẹp…
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người dành nhiều năm nghiên cứu về đô thị Đà Lạt, những tác động tiêu cực này cần phải đặt biệt lưu ý khi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Nhất là cần mở rộng không gian phát triển để bảo tồn và chỉnh trang vùng lỗi đô thị hiện hữu, phát triển Đà Lạt theo hướng đô thị xanh. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nói: “Khu nội thành hiện giờ bê tông hóa gần hết, không gian xanh còn lại chẳng bao nhiêu thành ra chiến lược bây giờ tất cả những không gian xanh còn sót lại phải bảo vệ nó bằng mọi giá. Thứ hai, phải phát triển khu trung tâm mới, đây là một thử thách rất lớn cho Đà Lạt, cho Lâm Đồng. Lâu nay cứ nói bảo tồn di sản nhưng tại sao chứng ta không làm được, là bởi vì chúng ta không có khu đô thị mới nào. Tôi hy vọng tư vấn của quy hoạch lần này sẽ làm rõ vấn đề này”.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trước việc đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc lựa chọn mô hình phát triển đô thị Đà Lạt đảm bảo cân bằng trong phát triển không gian, cảnh quan, kiến trúc là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng. Phải định hình khu vực nông nghiệp, hồi sinh phát triển mảng thông bản địa và làm sống lại cấu trúc thành phố trong rừng, rừng trong thành phố: “Bảo vệ và duy trì cấu trúc thành phố trong rừng, rừng trong thành phố thì điều này tôi cho rằng rất quan trọng, khó không có nghĩa là không thực hiện được. Trên cơ sở đó thì chúng ta sẽ có điều kiện để tôn vinh các giá trị cốt lõi, nổi bật trong cấu trúc đô thị thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận để trở thành một đô thị di sản, du lịch đẳng cấp quốc tế”.
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để gìn giữ đặc trưng bản sắc riêng biệt của Đà Lạt theo thời gian, hướng tới tiêu chí tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, rất cần có một định hướng dài hạn, kèm các cơ chế chính sách đặc thù và đồng bộ: “Bây giờ muốn giữ được Đà Lạt thì phải làm thế nào? Nếu mà xây dựng theo cách làm mất đi cảnh quan, thiên nhiên hay mật độ quá cao thì có còn là Đà Lạt nữa không? Một trong những thành phố cao trên thế giới, cao 1.500m so với mực nước biển nhưng mưa vẫn bị ngập thì cái đó chúng ta cần làm rõ, trên cơ sở đó đi sâu vào vấn đề quy hoạch chung. Đà Lạt đẹp là vì Đà Lạt trong rừng – rừng trong Đà Lạt, muốn giữ được Đà Lạt thì chúng ta phải có quy hoạch”.
Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 257, ngày 17/3/2023. Theo đó, phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà, mở rộng theo hướng từ cao trình 850m trở lên so với mực nước biển; diện tích ranh giới quy hoạch lên đến 336 ngàn ha, gấp gần 10 lần diện tích Đà Lạt hiện nay.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đây là định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trong lòng đô thị, trong đó có nhiệm vụ giải quyết các tồn tại của quá trình thực hiện quy hoạch được duyệt. Hiện Lâm Đồng đang tiếp thu mọi ý kiến góp ý, giúp địa phương có đủ thông tin và cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Lạt: “Đà Lạt có 3 đặc điểm rất lớn ở tầm quốc tế, thứ nhất là độ cao, thứ hai là quy mô diện tích, thứ ba là mật độ dân số thấp, khoảng 68 người/km2. 3 điều này là điều kiện để mở rộng phát triển dư địa rất lớn đến với thành phố Đà Lạt trong quá trình xây dựng đô thị, biến đổi khí hậu đặt ra trong thời gian tới. Tỉnh Lâm Đồng luôn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học có tình cảm với Đà Lạt, đồng hành cùng Đà Lạt – Lâm Đồng để xây dựng Đà Lạt trong tương lai trở thành thành phố đẳng cấp, là trung tâm đô thị nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế thích ứng biến đổi khí hậu, thành phố xanh”.
Những năm qua, Đà Lạt đã phát triển theo đúng định hướng đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 704, ngày 12/5/2014 và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: dân số và lượng khách du lịch ngày càng tăng trong khi thành phố chưa được nghiên cứu mở rộng không gian đô thị; thiếu tính liên kết giữa các đô thị trung tâm và các đô thị lân cận; các tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác… Kỳ vọng qua lần điều chỉnh quy hoạch này sẽ giúp tạo nên nhiều bước đột phá mới, giúp Đà Lạt phát triển xứng tầm và bảo tồn được các nét đẹp riêng có của thành phố du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thành phố xanh trên cao nguyên Lâm Viên.