Quy hoạch để khai thác tiềm năng kinh tế ven sông
Tiềm năng phát triển kinh tế ở các vùng ven sông là rất lớn. Vậy tại sao tỉnh ta lại chưa có quy hoạch để khai thác hiệu quả hơn lợi thế mà các tuyến sông mang lại?
Hải Dương có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, với 14 con sông lớn có chiều dài khoảng 500 km và trên 2.000 km sông nhỏ. Trong đó lớn nhất là sông Thái Bình với chiều dài 64 km. Cùng với đó là các sông: Kinh Thầy, Kinh Môn, Lai Vu, Gùa, Văn Úc, Mạo Khê… và các sông thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Các tuyến sông này đã và đang cung cấp nguồn nước tưới vô cùng quan trọng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, hình thành nên mạng lưới giao thông thủy khá thuận lợi. Không chỉ vậy, các dòng sông đỏ nặng phù sa đã tạo nên những bãi bồi dọc các tuyến sông với diện tích hàng nghìn ha. Mặc dù vậy, việc quy hoạch để khai thác tiềm năng từ các vùng bãi sông ở tỉnh ta hiện nay còn rất hạn chế nên hiệu quả chưa cao.
Có thể khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế ở các vùng ven sông là rất lớn. Vậy tại sao tỉnh ta lại chưa có quy hoạch để khai thác hiệu quả hơn lợi thế mà các tuyến sông mang lại? Trước hết, có thể nói trong nhiều năm trước đây, khi nói đến các vùng bãi bồi ven sông là chúng ta nghĩ ngay đến việc bảo đảm hành lang thoát lũ vào mùa mưa bão. Bởi khi chưa có các thủy điện lớn như Hòa Bình, rồi sau đó là Sơn La, Lai Châu, thì vào mùa mưa bão, rất nhiều thời điểm nước sông dâng cao làm ngập các bãi bồi, thậm chí có lúc nước sông lên trên báo động 3 đe dọa các tuyến đê của tỉnh. Vì vậy, trong một thời gian dài, các bãi bồi ven sông chủ yếu dùng để trồng dâu nuôi tằm và các loại hoa màu khác vào mùa khô.
Sau đó, khi các thủy điện lớn lần lượt đi vào hoạt động, thì rất nhiều năm vào mùa mưa bão nước ở các tuyến sông rất thấp, rất ít khi có báo động 1, chứ chưa nói đến báo động 2-3 nên ở nhiều bãi sông, bến bãi chứa vật liệu xây dựng, bãi chứa than mọc lên như nấm, không theo quy hoạch nào. Ở không ít nơi, đất bãi sông bị khai thác biến thành các vùng nuôi thủy sản. Đặc biệt, nạn khai thác cát hoành hành nhiều năm đã khiến nhiều vùng bãi sông lớn, trù phú biến mất…
Việc quy hoạch, quản lý khai thác lợi ích kinh tế từ các tuyến sông, bãi sông chưa thực sự được tỉnh cũng như đa số các địa phương có bãi sông quan tâm, coi trọng. Chính vì thế, không ít bãi sông rộng lớn đã và đang bị băm nát, thậm chí biến mất không thể lấy lại được. Tình trạng khai thác các bãi sông tự phát vẫn cứ diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Một điều đáng mừng là vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã rà soát, xác định 28 khu vực bãi sông ở 10 tuyến đê có thể nghiên cứu để các địa phương có cơ sở triển khai xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo tôi như vậy vẫn chưa đủ. Đã đến lúc tỉnh cần giao các ngành chức năng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư… phối hợp nghiên cứu, rà soát, lập quy hoạch chung và chi tiết để khai thác hiệu quả từng tuyến sông, bãi sông trên địa bàn toàn tỉnh. Việc sử dụng bãi sông phải bảo đảm các điều kiện như không gây cản lũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy, không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, phải quan tâm để xây dựng các cảng thủy nội địa có quy mô phù hợp, tạo sự kết nối với các tuyến đường bộ, giảm tải ùn tắc cho các tuyến quốc lộ, nhất là quốc lộ 5, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
VŨ ÚY (Kim Thành)