Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm: Đề nghị bổ sung báo cáo về môi trường, dân cư, các dự án
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị đơn vị tư vấn lập đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nghiên cứu bổ sung các báo cáo: Đánh giá tác động môi trường sơ bộ khu vực đầm Thủy Triều; đề xuất phương án sắp xếp dân cư, chuyển đổi ngành nghề, an sinh xã hội ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch và Báo cáo rà soát, đánh giá các dự án đã, đang triển khai trong khu vực lập quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Ngày 13.10, các cơ quan liên quan đã nhận được văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa (số 3255/SXD-KTQH ngày 12.10.2022) đề nghị đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung đã có ý kiến góp ý, để hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Rà soát nhiều nội dung và bổ sung 3 báo cáo, đánh giá
Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, các ý kiến góp ý về nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm cần tiếp thu, giải trình là của 22 đơn vị (gồm các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân); của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Cam Lâm và của HĐND huyện Cam Lâm (tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 10.10.2022; Người Đô Thị đã thông tin: Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm: Cần làm rõ lợi ích của dân, đánh giá tác động xâm nhập mặn).
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị VIUP nghiên cứu bổ sung về 3 vấn đề. Đó là Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với khu vực đầm Thủy Triều; Báo cáo đánh giá, đề xuất phương án sắp xếp dân cư, chuyển đổi ngành nghề, an sinh xã hội đối với các khu vực bị ảnh hưởng, tác động bởi quy hoạch và Báo cáo rà soát, đánh giá các dự án đã và đang triển khai trong khu vực lập quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, đơn vị tư vấn lập đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm còn được đề nghị thực hiện: “Rà soát các nội dung về quy mô nghiên cứu lập quy hoạch, mục tiêu, tính chất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các yêu cầu về nội dung nghiên cứu quy hoạch của Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1052/QĐ-TTg ngày 7.9.2022) để nghiên cứu lập đồ án đảm bảo tuân thủ theo các nội dung liên quan của nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt”.
Sở Xây dựng Khánh Hòa còn yêu cầu “Rà soát các nội dung quy định về hình thức thể hiện (tại Luật Quy hoạch đô thị, Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29.6.2016 của Bộ Xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN01:2021/BXD và các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác có liên quan) đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị (tỷ lệ 1/10.000)”.
Yêu cầu rà soát vừa nêu trên là “để nghiên cứu thể hiện các nội dung về quy hoạch sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hệ thống giao thông và quy mô các ô đất giới hạn cho phù hợp quy định”.
Còn về việc sử dụng đất thì “nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất theo hướng mở, linh hoạt (phù hợp với quy định thể hiện của quy hoạch chung) để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai lập các đồ án cấp dưới hoặc triển khai các nội dung cụ thể khác về sau”.
Đề xuất từ đơn vị tư vấn và phải có giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý
Thực ra, cả 3 nội dung yêu cầu Báo cáo đánh giá, rà soát, bổ sung kể trên, để hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 là do chính Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã có công văn vào ngày 28.9.2022 đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh cho nghiên cứu bổ sung “để có thêm cơ sở nghiên cứu quy hoạch, đảm bảo tính thực tiễn, bền vững, hài hòa và khả thi của đồ án”.
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đề nghị nghiên cứu, bổ sung các vấn đề đó sau khi có ý kiến góp ý của 22 đơn vị, sở, ngành và hàng ngàn ý kiến góp ý từ cộng đồng dân cư tại 14 xã và thị trấn Cam Đức thuộc huyện Cam Lâm.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm (số 3079/UBND ngày 4.10.2022): Tổng số phiếu góp ý kiến đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm mà huyện đã nhận từ cộng đồng dân cư ở 14 xã, thị trấn kể trên là 9.295 phiếu.
Trong đó, có 6.782 phiếu (chiếm tỷ lệ 73%) thống nhất với nội dung đồ án. Còn 2.336 phiếu (chiếm tỷ lệ 25%) “không thống nhất với nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045”. Còn lại 177 phiếu (chiếm 2%) là có ý kiến khác.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có công văn (số 4236/BXD-QHKT ngày 20.9.2022) thông báo Bộ đã nhận Tờ trình ngày 12.9.2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa trình thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đó là đồ án quy hoạch chưa lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (tại khoản 3, điều 20). Còn "ý kiến góp ý của các sở, cơ quan liên quan tại địa phương và cộng đồng dân cư cho đồ án quy hoạch cần được tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu theo quy định" tại các Luật có liên quan.
Do đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát hồ sơ trình thẩm định đồ án, đảm bảo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; chỉ đạo thực hiện đầy đủ về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để Bộ Xây dựng có đủ căn cứ tổ chức thẩm định.
Về phía Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, sau khi nhận được văn bản đề nghị của đơn vị tư vấn lập quy hoạch nói trên, Sở đã chủ trì tổ chức họp với cơ quan, đơn vị liên quan (gồm các sở Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao đông – Thương và Xã hội, Ban quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, UBND huyện Cam Lâm và đơn vị tư vấn – VIUP) để rà soát, xem xét. Kết quả, cuộc họp đã “thống nhất về sự cần thiết phải bổ sung các nội dung báo cáo” mà Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã đề nghị và “cùng thống nhất, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép nghiên cứu bổ sung” các nội dung đó.
Trong đó, đối với việc bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với khu vực đầm Thủy Triều, các đơn vị dự họp thống nhất, kiến nghị UBND tỉnh: “Cho phép Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia được chủ động liên hệ với Viện Hải dương học (hoặc đơn vị tư vấn khác có năng lực phù hợp lập Báo cáo đánh giá liên quan) để tăng thêm cơ sở khoa học phục vụ cho công tác lập quy hoạch”.
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, cuộc họp gồm đại diện của 8 sở, đơn vị liên quan kể trên cũng đã thống nhất, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa: Bên cạnh việc triển khai nghiên cứu bổ sung các vấn đề đã nêu, nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 “phải thực hiện việc tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về đồ án và có giải trình, tiếp thu, làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai các bước tiếp theo”.
Ngày 7.10.2022, Sở Xây dựng có báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa xin ý kiến về các nội dung đề xuất nghiên cứu bổ sung của đơn vị tư vấn và các ý kiến thống nhất kiến nghị từ cuộc họp của các cơ quan, đơn vị như đã kể trên.
Trúc Nam Sơn
Phải đảm bảo đồ án quy hoạch chung mang tính thực tiễn, khả thi
Sau khi xem xét báo cáo của Sở Xây dựng (ngày 7.10.2022), đề nghị cho nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, ngày 10.10 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn lập quy hoạch (VIUP) nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị liên quan, ý kiến của cộng đồng dân cư để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch theo yêu cầu của Bộ Xây dựng (tại công văn số 4236/BXD-QHKT ngày 20.9.2022) và theo đúng quy định của pháp luật, trình Bộ Xây dựng thẩm định theo quy định.
Đối với các nội dung đề xuất nghiên cứu bổ sung cho đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo: “Trường hợp không phải là các yêu cầu, trình tự bắt buộc theo quy định của pháp luật, Sở Xây dựng xem xét, chủ động yêu cầu đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu để triển khai, đảm bảo đồ án Quy hoạch chung mang tính thực tiễn, khả thi, đạt được sự đồng thuận cao và đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra”.