Quy hoạch đô thị - nền tảng cho Thủ đô văn minh, hiện đại
Chiều 8/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiến hành thảo luận tại tổ. Các đại biểu đã tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có công tác quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại tổ thảo luận.
Cần có quy trình rõ ràng để bãi bỏ các quy hoạch không còn khả thi
Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đặt ra nhiều thách thức cần có cái nhìn sâu hơn để thực hiện. "Trước mắt, cần thực hiện ngay nhiệm vụ quy hoạch. Phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch, làm song song khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Các địa phương phải định hình vị trí vùng phát triển về đô thị, dịch vụ, nông nghiệp... để có kế hoạch phát triển trong 5 năm tới" - Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Thảo luận về công tác quy hoạch, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND TP nhận định, đây là nội dung hết sức quan trọng, đặc biệt sau khi Thành phố tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp lại địa giới hành chính. Hiện nay, Luật Quy hoạch cũng đang trong quá trình được xem xét sửa đổi, bổ sung. Thay vì chỉ sửa đổi một vài điều, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất sẽ rà soát, sửa đổi một cách toàn diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và dự kiến sẽ trình tại kỳ họp cuối năm.
"Đối với Hà Nội, chúng ta rất may mắn khi đã có quy hoạch Thủ đô và quy hoạch điều chỉnh chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là bộ khung xương sống cho sự phát triển của Thành phố. Vấn đề cốt lõi hiện nay là việc tổ chức thực hiện, rà soát và đưa các quy hoạch này vào cuộc sống. Cần phải công khai, minh bạch những khu vực nào sẽ tiếp tục triển khai, khu vực nào không còn phù hợp để điều chỉnh. Phải có kế hoạch triển khai cụ thể theo từng giai đoạn, tránh tình trạng "quy hoạch treo" kéo dài gây bức xúc cho người dân và cử tri" - Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai khẳng định.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy, có những dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng 20 năm vẫn chưa được triển khai. Cần phải có một quy trình rõ ràng để công bố bãi bỏ các quy hoạch không còn khả thi, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước tại cơ sở. Việc rà soát, cập nhật và công khai thường xuyên các quy hoạch sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Đại biểu HĐND TP Đàm Văn Huân cho rằng, các địa phương của Hà Nội xây dựng địa giới hành chính chủ yếu lấy các tuyến đường chính làm lộ giới. Do đó, quy hoạch phân khu cần có sự điều chỉnh và cần phù hợp 2 quy hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt và địa giới hành chính nhằm đảm bảo triển khai các dự án và quản lý.
Về triển khai các dự án lớn, đại biểu cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ khâu giải phóng mặt bằng đến thi công. Đồng thời, về xuất liên quan đến xây dựng trung tâm tài chính, Hà Nội cần có biện pháp để khai thác trụ sở các trung tâm tài chính, ngân hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đại biểu HĐND TP Chu Hồng Minh nêu ý kiến tại tổ thảo luận.
Đối với công tác chỉnh trang đô thị, đại biểu HĐND TP Chu Hồng Minh cho rằng Thành phố cần quan tâm đến vấn đề này. Thành phố đã có chuyển biến rõ rệt nhưng phải đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm. Điển hình tại phường Hai Bà Trung, đại biểu Chu Hồng Minh cho biết trên địa bàn có khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã thực hiện cải tạo 1 phần nhưng 1 phần chưa thực hiện được, do đó cần tiếp tục công tác này để tránh tồn đọng. Đại biểu nhấn mạnh, đô thị có xanh sạch đẹp thì thủ đô mới văn minh, hiện đại.
Tán thành ý kiến của đại biểu Chu Hồng Minh về công tác chỉnh trang đô thị, đại biểu Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải tạo chỉnh trang tái thiết đô thị, đặc biệt cải tạo chung cư cũ, thiết lập cơ chế đặc thù cho việc triển khai Luật Thủ đô 2024.
Quy hoạch các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư

Tổ thảo luận tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI.
Đại biểu HĐND TP Nguyễn Tiến Minh góp ý về vấn đề quy hoạch các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư. Cơ bản nhất trí với công trình bãi đỗ xe ngầm, công trình ngầm khác đã được UBND TP phê duyệt, đại biểu lưu ý Thành phố cần chú ý công tác quy hoạch để phù hợp với giai đoạn mới.
Theo đó, quy hoạch giao thông Hà Nội hiện đang theo quy hoạch cũ từ thời Pháp theo hình thức đường hướng tâm, kết hợp các vành đai. Đại biểu đề xuất cần thay đổi sang quy hoạch ô bàn cờ để đưa giao thông vận tải của Thủ đô đỡ ùn tắc. "Thời gian tới cần nhấn mạnh quy hoạch, đặc biệt quy hoạch tuyến đường 2 bên sông Hồng. Thành phố cần lấy quy hoạch này làm quy hoạch bàn cờ để tránh ùn tắc", đại biểu Tiến Minh đề xuất.
Đồng thời, về quy hoạch không gian ngầm, theo danh mục tuyến đường có 8 tuyến đường sắt đô thị đầu tư theo không gian ngầm, đại biểu Tiến Minh đề nghị UBND TP giao Sở Xây dựng nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên. Tuyến đường này nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư không gian ngầm thì mới thu hút đầu tư theo hình thức TOD.
Đại biểu Lê Ngọc Anh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) nhấn mạnh, Hà Nội đã quy hoạch chi tiết, đầy đủ về công nghiệp. Vừa qua, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cơ bản được sắp xếp nằm trọn trên 1 địa phương theo đặc điểm kinh tế - xã hội của địa bàn.
Về xử lý ô nhiễm môi trường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội cho rằng, dù có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư nhưng nếu không giải quyết được ô nhiễm không khí thì đây là trở ngại lớn trong thu hút đầu tư. Vừa qua, Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt xử lý ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, Thành phố cần mạnh dạn đi đầu cả nước về phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, đề xuất áp dụng chế tài nghiêm khắc để Thủ đô trở thành "nơi đáng sống".