Quy hoạch... ì ạch

Xây dựng quy hoạch là việc rất khó, nhưng không thể không làm, vì đây là cơ sở rất quan trọng để hiện thực hóa các chiến lược, mục tiêu phát triển cho cả thời kỳ, cả giai đoạn.

Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân khách quan là phải tập trung mọi nguồn lực cho phòng, chống đại dịch Covid-19 nên việc ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bị chậm hơn so với kế hoạch. Bấy giờ, nhiều nơi kêu ca về việc chưa thể triển khai xây dựng quy hoạch bởi phải chờ có quy hoạch cấp cao hơn.

Để gỡ “nút thắt” này, Quốc hội đã ban hành chủ trương cho phép xây dựng đồng thời các quy hoạch. Sau đó, ngay khi Chính phủ hoàn thành các phần việc của mình, Quốc hội đã triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Quốc hội đã ban hành chủ trương cho phép xây dựng đồng thời các quy hoạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Quốc hội đã ban hành chủ trương cho phép xây dựng đồng thời các quy hoạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, đến nay, giai đoạn 2021-2030 đã đi hết gần nửa chặng đường, nhưng mới chỉ có 16 quy hoạch ngành quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 14 quy hoạch cấp tỉnh được phê duyệt. Nhiều quy hoạch có liên quan trực tiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, từng địa phương mới chỉ hoàn thành ở bước trình thẩm định, thậm chí có quy hoạch còn chưa được lập xong. Sự ì ạch trong công tác lập quy hoạch cấp dưới rõ ràng làm cho nỗ lực chung của cả hệ thống, của cả nước phần nào bị giảm đi ý nghĩa.

Cần phải khẳng định rằng có những lĩnh vực rất khó lập quy hoạch do tính phức tạp và độ nhạy cảm cao. Quy hoạch được lập ra để phục vụ cho phát triển, đòi hỏi phải rất thận trọng, kỳ công nên mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, có một số địa phương kêu ca về thủ tục, nhất là thủ tục đầu tư công phức tạp nên khó huy động nguồn lực, làm chậm tiến trình lập quy hoạch. Trường hợp này, nếu có khó khăn thì cần có đề xuất cụ thể đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị tìm giải pháp khắc phục.

Thực tế cũng đã có những vấn đề vướng mắc, nhưng Quốc hội đã ban hành nghị quyết với thủ tục rất nhanh gọn để giải quyết, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn trong lúc chờ sửa đổi luật. Nhưng với việc chỉ ra nguyên nhân do thủ tục, người dân cũng đặt ngược lại vấn đề: Tại sao cùng thủ tục như thế nhưng vẫn có nơi, có vùng, có lĩnh vực hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch đã được phê duyệt, có nơi lại ì ạch mãi không xong? Có hay không việc cố tình ì ạch lập quy hoạch để buộc phải công nhận... sự đã rồi ở một nơi hay một dự án nào đó?

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt cần phân loại và xác định rõ những quy hoạch cấp thiết, nếu không sớm được lập, phê duyệt có thể sẽ dẫn tới không thể hoàn thành tầm nhìn, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ mà quy hoạch tổng thể quốc gia đã nêu ra. Từ đó có giải pháp cụ thể để tập trung nguồn lực, đốc thúc thực hiện.

Không thể để tình trạng quy hoạch ì ạch chạy theo thực tiễn kéo dài mãi như vậy!

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quy-hoach-i-ach-747850