Quy hoạch khu công nghiệp theo hướng chuyên biệt, sinh thái

Vĩnh Phúc xác định không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, phát triển các khu công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới sự bền vững.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Liên tiếp trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên định với chiến lược phát triển bền vững, hiện tỉnh đang đẩy nhanh việc điều chỉnh, quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh, từng bước xây dựng, hình thành nên những khu công nghiệp kiểu mẫu, có hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Vĩnh Phúc xác định không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, phát triển các khu công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới sự bền vững. Trên thực tế, vài năm trước tỉnh Vĩnh Phúc đã cương quyết từ chối một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, đặc biệt tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của một Tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm.

Khi thu hút các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Vĩnh Phúc yêu cầu các chủ đầu tư dành tối thiểu 10% quỹ đất cho trồng cây xanh, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Trước đây, đến với một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tuyến đường trong các khu công nghiệp, các khoảng đất trống đã giao cho các doanh nghiệp mưa thì lầy lội, nắng nóng thì bụi mịt mù, mật độ cây xanh thảm cỏ thấp, cỏ dại bủa vây, sỏi đá và đất cằn bao phủ...Hàng loạt các hạn chế, bất cập đó dần đã được khắc phục, bởi những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã thực sự coi trọng việc nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Để có được những kết quả tích cực này, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Ban Quản lý khu công nghiệp, ngành chức năng, các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng... tập trung quan tâm trồng, chăm sóc, bảo vệ hiệu quả các loại cây xanh trong các khu công nghiệp, ngoài hàng rào khu công nghiệp, quanh nhà xưởng sản xuất một cách thường xuyên, quyết liệt hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, tạo cảnh quan tươi đẹp.

Hiện, Vĩnh Phúc đã có một số khu công nghiệp xây dựng hạ tầng rất bài bản. Điển hình như Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có hạ tầng và cảnh quan môi trường đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bước vào khu công nghiệp này, mọi người đều khen ngợi bởi hình ảnh một khu công nghiệp tươi mới, có những con đường bê tông ngang, dọc sạch bóng, đan xen những con đường và các dãy nhà xưởng là màu xanh bao phủ của thảm cỏ, cây xanh, ngắm nhìn nơi đây giống như "nhà máy trong công viên, công viên trong nhà máy". Đây là khu công nghiệp đã và đang tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Để hướng tới sự hình thành khu đô thị kiểu mẫu, phát triển xanh, sạch, đẹp, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) - Chủ đầu tư Dự án khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã tiên phong trong xây dựng hạ tầng hiện đại và xây dựng cảnh quan môi trường cho khu công nghiệp, đúng như tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng. Tháng 10/2015, tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án "Hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc" cho nhà đầu tư là Tập đoàn Sumitomo.

Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc rộng hơn 213 ha tại khu vực địa giới hành chính xã Thiện Kế và xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Cuối tháng 9/2017, nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công, đến tháng 11/2018 hoàn thành giai đoạn I và ngày sau đó đã có hàng chục nhà đầu tư sản xuất- kinh doanh đăng ký nhận chỗ.

Theo ông Satoru Wachi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc: Tập đoàn Sumitomo đã triển khai Khu công nghiệp Thăng Long I năm 1997 tại Hà Nội, Thăng Long II năm 2006 tại tỉnh Hưng Yên và đều nhận được sự giúp đỡ lớn từ chính quyền địa phương.

Nếu phải so sánh, tỉnh Vĩnh Phúc có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, mọi thủ tục đều rất thuận lợi; những cam kết hỗ trợ được thực thi nhanh chóng. Vĩnh Phúc có chính sách thuế linh hoạt cùng nhiều ưu đãi khác cho nhà đầu tư. Hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật xung quanh địa điểm đều được đầu tư có tính kết nối tốt.

Sau 6 năm xây dựng, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút được 42 dự án với 9 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng và 33 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 953 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Một số nhà máy lớn như: Nhà máy TOTO Việt Nam, Nhà máy Arcadyan, Nhà máy Valuetronics Việt Nam… Mặc dù đã có tỷ lệ lấp đầy khá cao nhưng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc vẫn có sức hút lớn khi nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang bày tỏ sự quan tâm, mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy tại đây.

Theo dự kiến, khi hoàn thành dự án sẽ thu hút được 79 dự án đầu tư thứ cấp phần lớn đến từ Nhật Bản vào khu công nghiệp này và thu hút từ 25.000 - 27.000 lao động. Điều đáng quan tâm nhất là các ngành nghề, lĩnh vực thu hút vào Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc là ngành công nghiệp không ít gây ô nhiễm, ưu tiên các dự án công nghệ cao như sản xuất các loại động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác...

Anh Dương Văn Hướng, thôn Bảo Sơn, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên cho biết: Nhớ lại ngay từ khi bắt đầu khởi công, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã tận dụng triệt để lớp đất màu mỡ vốn dĩ người dân canh tác bao đời ở phía trên cùng để ưu tiên cho việc trồng thảm cỏ, cây xanh một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Chủ đầu tư đã tập trung vào việc thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh… nhằm tạo ra quang cảnh "xanh, sạch, đẹp," giảm cảm giác nặng nề, bức bối giữa không gian nhà xưởng.

Trên thực tế, chủ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã dành trên 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Ngoài ra, trong các tuyến đường nội khu, công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6 km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái.

Toàn bộ Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc rộng hơn 213 ha đã được xây tường bao kiên cố bao kín bốn hướng, có hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị giám sát bảo vệ được đầu tư đồng bộ để đảm bảo an ninh.

Phía sát ngoài tường rào Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có hàng trăm cây xanh được trồng từ năm 2020 đang vươn cao khắp các tuyến đường thuộc phạm vi khu công nghiệp này.

Hiện, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã hình thành các khu sản xuất màu xanh và những cung đường xanh, các khuôn viên của nhà xưởng mỗi doanh nghiệp cũng được trồng cây cảnh, thảm cỏ... Những hình ảnh tươi đẹp, thân thiện này khiến người lao động tin tưởng thêm yêu nghề, yêu nhà xưởng ở khu công nghiệp...

Ngoài Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh còn có Khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên ) cũng được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, quan tâm đầu tư các cây xanh và thảm cỏ phát triển tốt, bao phủ trên diện rộng.

Hệ thống giao thông nội bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bê tông có chất lượng cao, hệ thống cấp thoát nước của khu công nghiệp cũng được đi ngầm, khu nhà điều hành hiện đại với nhiều tiện ích và dịch vụ phục vụ cho các nhà máy sản xuất.

Riêng hai Khu công nghiệp Bá Thiện và Bá Thiện II đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động như TAL Việt Nam, Nippon Paint Vĩnh Phúc, Weldex Vina, Assa Abloy, Polaris, Iterflex Vina, ...

Sự phát triển các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ và hiện đại tham tạo sức hút mạnh của nhiều doanh nghiệp lớn đến từ nước ngoài với nhiều sản phẩm có giá trị, khả năng cạnh tranh mạnh được kỳ vọng tạo tiền đề phát triển bền vững, ổn định tại địa phương; đặc biệt là tạo bước đột phá cho công nghiệp Vĩnh Phúc với các sản phẩm công nghiệp phong phú hơn, đa dạng hơn.

Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quy-hoach-khu-cong-nghiep-theo-huong-chuyen-biet-sinh-thai/314823.html