Quy hoạch kỹ lưỡng để tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô

Chiều 18-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về 'Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025' chủ trì hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình năm 2021.

Quang cảnh buổi họp Ban Chỉ đạo Chương trình số 05 của Thành ủy theo hình thức họp trực tiếp và trực tuyến.

Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 05-CTr/TU. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

94,7% đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU năm 2021, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, đối với công tác quy hoạch, đã có 36/38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt (tỷ lệ 94,7%). UBND thành phố đã phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô, còn 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống hiện đang xin ý kiến Bộ Xây dựng để hoàn chỉnh hồ sơ, mục tiêu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 trình UBND thành phố phê duyệt.

Trong 31 quy hoạch phân khu thuộc 5 đô thị vệ tinh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã báo cáo UBND thành phố 6 đồ án; đang triển khai lập, báo cáo cấp có thẩm quyền 25 nhiệm vụ quy hoạch phân khu. Tiến độ triển khai nhiệm vụ và dự toán quy hoạch xây dựng vùng huyện bị chậm khi còn 3/14 huyện gồm: Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ chưa có hồ sơ đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc góp ý. Bên cạnh đó, 17/18 huyện, thị xã đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã với số đồ án đã hoàn thành phê duyệt là 331/341 (tỷ lệ 97%).

Về công tác bảo vệ môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, trong 9 tháng năm 2021, đã có hơn 572 tấn chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế được thu gom, xử lý đúng quy định; 30 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 11 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Về sử dụng tài nguyên, 18/18 huyện, thị xã đã thành lập Hội đồng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; UBND các huyện, thị xã đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Trong năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiểm tra 25 đoàn thanh, kiểm tra về đất đai, môi trường…

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh trình bày báo cáo tại hội nghị.

Đối với phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2021, mặc dù thời tiết diễn biến khó lường, tuy nhiên thành phố đã bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tuyến đê tương ứng với mực nước lũ thiết kế; bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi ở mức thiết kế. Thành phố hiện còn 18 điểm có nguy cơ xảy ra úng ngập đối với các trận mưa có cường độ 100mm/2 giờ.

Về nhiệm vụ năm 2022, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp, đôn đốc các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 chỉ tiêu của Chương trình. Trong đó các tháng cuối năm 2021, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất danh mục, nguồn vốn để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu của chương trình, tập trung đẩy nhanh tiến độ trong năm 2022…

Cần làm rõ lý do chưa hoàn thành, đề ra biện pháp khắc phục

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các đơn vị cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các báo cáo, trong đó tập trung vào trách nhiệm của các sở, ngành. Đối với công tác quy hoạch, cần tính toán kỹ lưỡng để tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại như mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra…

Đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phát huy vai trò thường trực của Chương trình số 05-CTr/TU, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ chính trị được đề ra trong chương trình, yêu cầu các đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch quy hoạch, sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. “Thành phố đã yêu cầu các đơn vị hoàn thành các kế hoạch theo từng mốc thời gian cụ thể, nếu chưa hoàn thành cần làm rõ lý do, biện pháp khắc phục”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đối với quy hoạch vùng của 3 huyện bị chậm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm rõ tiến độ của lập quy hoạch phân khu, thời gian hoàn thành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn nếu có, bảo đảm tiến độ đề ra.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị cần phân kỳ mục tiêu thực hiện cho từng giai đoạn để các chương trình bám sát, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần định hướng nghiên cứu, có lộ trình cụ thể để báo cáo với Thành ủy, Chính phủ, Bộ Chính trị về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến, kiến nghị, từ đó có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.

Tiến Thành - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1017768/quy-hoach-ky-luong-de-tao-tien-de-cho-su-phat-trien-nhanh-ben-vung-cua-thu-do