Quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách tại Hà Nội: Hiệu quả song vẫn cần kiểm tra giám sát

Tại Hà Nội, trong giai đoạn từ khoảng năm 2016 đến nay, để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự việc sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy đã được triển khai. Hiệu quả của việc sắp xếp luồng tuyến đã từng bước được khẳng định song vấn đề hiện tại là công tác kiểm tra, giám sát, từ đó nâng cao ý thức chấp hành của các đơn vị vận tải khách liên tỉnh.

Kéo giảm ùn tắc giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, Vành đai 3 là đường xuyên tâm qua Thành phố. Từ năm 2008 trở đi, lưu lượng phương tiện qua khu vực tăng nhanh dẫn tới thường xuyên ùn tắc giao thông.

Đáng chú ý, trước đây, việc sắp xếp các bến xe nhằm bảo đảm sự ổn định của doanh nghiệp vận tải và sắp xếp hướng tuyến để ưu tiên cho người dân đi lại ổn định. Đơn cử, các tuyến đi các tỉnh Tây Bắc và phía Nam vào bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi hướng cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình, các tuyến đi hướng Quốc lộ 1 vào bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm.

Tuy nhiên, trong nguyên tắc ưu tiên này vẫn có những tuyến giữ ổn định cho người dân, như bến Giáp Bát và Nước Ngầm vẫn có tuyến đi Hải Phòng, cầu Thanh Trì, trong khi các quy định trước không quy định rõ mà chỉ là ưu tiên nên chúng tôi sắp xếp cho việc ưu tiên. Theo các chuyên gia, việc ưu tiên này phù hợp và được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hành khách liên tỉnh hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Đinh Luyện

Doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hành khách liên tỉnh hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Đinh Luyện

Ngoài ra, đối chiếu theo các quy định về luồng tuyến vận tải, việc sắp xếp luồng tuyến cũng được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị định 41/2024/NĐ-CP được ban hành tháng 4 vừa qua. Trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ đang được trình Chính phủ, quy định luồng tuyến vận tải cũng được đề cập nhằm giữ sự ổn định để các doanh nghiệp đầu tư, khai thác ổn định các tuyến vận tải. Nói cách khác, việc thực hiện quy định luồng tuyến vận tải là bắt buộc, bởi đó là đặc thù của vận tải tuyến cố định liên tỉnh.

Trên thực tế, những năm qua, việc điều chỉnh luồng tuyến được đánh giá đạt hiệu quả cao, giúp kéo giảm ùn tắc giao thông. Quanh vấn đề này, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam chia sẻ, việc Hà Nội tổ chức vận tải theo hướng tuyến từ cuối năm 2016 đã cho thấy tác dụng rất tốt, là cách làm khoa học, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông. Ban đầu một vài doanh nghiệp thực hiện còn khó khăn nhưng sau 8 năm, đến nay cơ bản mọi vấn đề được ổn định.

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam, thực chất, việc tổ chức theo hướng tuyến của Hà Nội không phải đến 2016 mới thực hiện mà đã được tổ chức từ những năm 60 của thế kỷ 20. Có điều, từ 2004, khi bến xe Mỹ Đình được xây dựng xong với diện tích 32.000m2 thì lãnh đạo Công ty Bia Hà Nội mời một số doanh nghiệp hoạt động ở phía Nam thành phố về bến xe Mỹ Đình. Do đó, đến 2016, Thành phố mới phải điều chỉnh lại.

Tăng cường kiểm tra giám sát

Vừa qua, một doanh nghiệp xin thí điểm tuyến vận tải Bến xe Lào Cai, Sa Pa (Lào Cai) về Bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm (Hà Nội). Doanh nghiệp các tuyến này không khai thác vào khung giờ cao điểm (từ 6 đến 9 giờ và từ 16 đến 19 giờ 30 phút). Nhiều ý kiến lo ngại việc thí điểm này có thể phá vỡ quy hoạch luồng tuyến và các doanh nghiệp vận tải sẽ “trăm hoa đua nở” xin thí điểm.

Với việc Hà Nội thí điểm tuyến vận tải mới từ Bến xe Giáp Bát đi Bến xe thành phố Lào Cai, bến xe Sa Pa và tuyến Bến xe Nước Ngầm đi Bến xe Sa Pa, trên cơ sở đăng ký phương án khai thác tuyến cố định, không khai thác vào những khung giờ cao điểm tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải giám sát thường xuyên, xem doanh nghiệp có chạy đúng biểu đồ, đúng tuyến không, nếu vi phạm phải cho dừng ngay. Đồng thời, khi có doanh nghiệp vận tải thí điểm, cũng sẽ nảy sinh đơn vị vận tải khác hoạt động “trá hình”, phải nghiên cứu, có chế tài xử phạt nghiêm.

Quanh vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác tuyến này sau 19 giờ 30 phút. Khi triển khai thí điểm, phải có thời gian thực hiện nhất định khoảng 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chạy xuyên tâm, hay đi vào giờ cao điểm, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu dừng ngay.

Cân nhắc đề xuất thí điểm, Sở yêu cầu phải hội tụ đủ yếu tố phù hợp tổ chức giao thông của Thành phố, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông. Sở sẽ phối hợp địa phương đánh giá số lượng phương tiện, làm một cách khoa học, tránh trường hợp thí điểm ào ào, có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự.

Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, chủ trương quy định vận tải theo luồng tuyến của cơ quan chức năng từ năm 2016 – 2017 là phù hợp với tình hình thực tiễn. Mục tiêu của vận tải hành khách là nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và văn hóa. Sắp xếp được các tuyến vận tải sẽ tránh được sự trùng lắp, hạn chế phương tiện lưu thông xuyên tâm Thành phố, nâng cao tính an toàn.

“Tôi thấy thời gian qua, các luồng tuyến vận tải tại 5 - 6 bến xe của Hà Nội đã ổn định, được người dân đồng tình và hình thành thói quen đi lại với từng bến, từng tuyến. Và muốn chống ùn tắc đòi hỏi giải pháp đồng bộ, không chỉ riêng sắp xếp luồng tuyến vận tải” - TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quy-hoach-luong-tuyen-van-tai-hanh-khach-tai-ha-noi-hieu-qua-song-van-can-kiem-tra-giam-sat-182124.html