Quy hoạch lưu vực Sông Hồng - Thái Bình: Giải tỏa áp lực nguồn nước
Dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lấy ý kiến các bộ và một số tỉnh, thành liên quan để hoàn thiện.
Theo ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, nhu cầu nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng (do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp... ngày càng nhanh), các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở phần thượng nguồn lưu vực sông sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chế độ nguồn nước; cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã tạo nên những thách thức trong việc xây dựng các phương án khai thác, sử dụng và điều hòa nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Tình trạng thiếu nước trong mùa khô liên tục xảy ra ở vùng hạ du. Đặc biệt là trong những năm gần đây, mực nước tại một số vị trí quan trắc ở hạ du đã có thời điểm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử. Cùng với việc cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp. Nếu không phân bổ nguồn nước hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các vùng, các tiểu lưu vực và các ngành dùng nước trên lưu vực sông thì việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Hồng - Thái Bình sẽ không bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội và môi trường.
Bên cạnh việc phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô, mùa mưa, nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn đang chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, việc khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông đang có tác động lớn đến nguồn nước chảy về Việt Nam gây nên tình trạng cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô.
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, với áp lực về phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng, dự báo đến 2050 tăng lên 1,12 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, các hoạt động khác đã làm gia tăng lượng xả nước thải, ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể như sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… một số chỉ tiêu ô nhiễm đang vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,6- 2,3 lần.
Còn vào mùa kiệt, mực nước sông Hồng và các sông chính hạ thấp làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước mặt của các công trình ven sông. Khan hiếm nước trong mùa khô và thiếu nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa đang diễn ra ở nhiều nơi trên lưu vực sông.
Tại dự thảo Quy hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đáng chú ý là đặt mục tiêu 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II và 20% từ các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Khoảng 20% các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội được cải thiện, phục hồi.
Quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình là rất cần thiết. Từ đây cũng cần rút ra những bài học tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do “chậm chân”, không đánh giá đúng tình hình nên tới nay tình hình nhiễm mặn ở ĐBSCL rất đáng lo ngại. Triều cường, nước biển theo các dòng sông vào sâu nội đồng, có nơi tới 80km; ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân hai bên các dòng sông; cả chăn nuôi lẫn trồng trọt đều gặp khó khăn.
Do thiếu nước ngọt sinh hoạt, tưới tiêu, nhiều nơi tại ĐBSCL, người dân phải khoan nhiều giếng, khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt, có nơi còn ô nhiễm. Cùng đó, hai bên dòng sông diễn ra ở nhiều nơi. Sông Tiền và sông Hậu, thời gian qua xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Có những điểm sạt lở sâu đã cuốn cả nhà dân xuống sông. Diện tích canh tác theo đó cũng bị thu hẹp đáng kể.
Vì thế, việc quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình rất cần sớm được triển khai.
Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước. Chính phủ lưu ý quy hoạch phải làm rõ hơn các giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ chất lượng nguồn nước, như giải pháp đối với tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp; giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập, hạn hán ở miền Trung; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước rất dồi dào (106 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối).