Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm: 6 năm vẫn chờ bản kế hoạch chi tiết
Năm học 2019 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nhiệm vụ quan trọng là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, đề ra từ năm 2013; sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền. Nhưng đến nay, nhiệm vụ cần giải quyết này vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc.
Bất cập
TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhiệm vụ quy hoạch này được thể hiện trong Nghị quyết số 29/NQ- TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo giáo viên, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã xác định cần phải sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.
Thực tế này cho thấy sự cần thiết, cấp bách trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Liên tục những năm qua, vấn đề này được nhắc đến trong các nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục mỗi dịp năm học mới. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm, nhưng bản kế hoạch chi tiết về quy hoạch các trường sư phạm vẫn chưa có.
Qua tìm hiểu, đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, cả nước hiện có 154 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 15 trường Đại học (ĐH) sư phạm, 48 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm, 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường Trung cấp sư phạm và 40 trường Trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.
Một thực tế nữa là hiện nay có 5 nhóm ngành có tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao, trong đó nhóm ngành Khoa học giáo dục đứng đầu bảng chiếm 19%. Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT dự báo đến năm 2020 sẽ thừa 70.000 cử nhân sư phạm. Hệ quả là hàng ngàn giáo viên hợp đồng dạy vá chỗ trống chờ ngày được tuyển dụng, hàng ngàn sinh viên sư phạm phải giấu bằng tốt nghiệp đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, bán hàng hay chuyển sang các loại hình lao động khác. Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không nhỏ. Chỉ tính riêng năm 2011, Nhà nước đầu tư 250 tỷ đồng, dự toán ngân sách phân bổ năm 2014 lên hơn 484 tỷ đồng...
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Học viện Hành chính Quốc gia đặt vấn đề: Năm 2030, tầm nhìn đến 2050, các trường sư phạm nên chuyển sang đa ngành hay chuyên ngành đào tạo là câu hỏi cần sớm có lời giải đáp. Vì hiện có hơn 100 trường ĐH sư phạm, trong đó có nhiều trường quy mô nhỏ, manh mún, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, hoạt động thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên cho xã hội...
Còn bà Nguyễn Thị Huyền, trường CĐ Sư phạm Thái Bình chỉ ra nhiều bất cập trong tuyển sinh và đào tạo sư phạm hiện nay như thiếu gắn kết giữa các cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông; nhiều trường sư phạm đào tạo hiện không bám sát với nhu cầu thực tiễn, dẫn đến thiếu gắn kết giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông, trường mầm non và giữa các trường sư phạm với nhau hay giữa các trường sư phạm thiếu kết, nên đầu ra chưa chú trọng phát triển năng lực sinh viên...
Sắp xếp theo hướng phân hóa
Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT phối hợp với các trường sư phạm trong cả nước vẫn tiếp tục xây dựng bản quy hoạch chi tiết trình Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần đi theo hướng có sự phân hóa, tái cơ cấu để xây dựng các trường ĐH có chất lượng cao, có uy tín thành trường trọng điểm.
GS Nguyễn Văn Minh, ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2 cơ sở, miền Nam 2 cơ sở và Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 - 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Các cơ sở khác, các trường CĐ Sư phạm thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng... trở thành nơi phát triển giáo dục địa phương.
Còn đối với các trường sư phạm địa phương, bà Vũ Thị Huyền, CĐ Sư phạm Thái Bình cho rằng: Khi quy hoạch các trường sư phạm địa phương, Bộ GD&ĐT cần lưu ý tính kết nối giữa các trường với cơ sở sư phạm trọng điểm về địa lý, kinh tế - xã hội từng vùng miền, nhằm tránh phân bổ không đồng đều hoặc chồng lấn.
GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc Trường ĐH Thái Nguyên cho rằng, cần giải thể mô hình ĐH vùng, bởi mô hình này đang cản trở hoạt động các trường đại học thành viên. Hoặc nếu không được thì cần trao quyền tự chủ cao cho các trường ĐH thành viên và có cơ chế chính sách cho ĐH vùng phát triển như ĐH quốc gia; đồng thời có cơ chế quản lý ĐH vùng, ĐH quốc gia đảm bảo phát huy năng lực, vai trò của các trường.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: Trong năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT đã tăng cường công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo, để góp phần hoàn thiện quy hoạch các trường sư phạm trình Chính phủ. Tính đến ngày 30/6/2019, cả nước đã có 121 cơ sở giáo dục ĐH và 3 trường CĐ Sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng số các trường ĐH, học viện trong cả nước. Có 6 trường ĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Về kiểm định chương trình đào tạo, có 16 chương trình đào tạo của 7 trường ĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và 128 chương trình đào tạo của 24 trường ĐH, học viện được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến các trường sư phạm trọng điểm, các chuyên gia giáo dục để sớm hoàn thiện quy hoạch này.