Quy hoạch mạng lưới đường bộ đáp ứng nhu cầu phát triển

Trong báo cáo cuối kỳ Đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vận tải đường bộ được xác định là phương thức vận tải chủ đạo trong vận tải hàng hóa. Chính vì vậy, việc quy hoạch xây dựng mạng lưới đường bộ được xem là khâu đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đường 319 là tuyến được đầu tư xây dựng mới để kết nối H.Nhơn Trạch với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

Đường 319 là tuyến được đầu tư xây dựng mới để kết nối H.Nhơn Trạch với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

Mục tiêu được đặt ra là phát triển mạng lưới giao thông đường bộ nhằm tăng cường kết nối quốc tế, kết nối giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ và kết nối giữa các huyện, thị.

* Nhu cầu vận tải đường bộ tăng cao

Theo đánh giá của liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, sự phát triển của Đồng Nai có những đặc thù riêng của một trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và cả nước. Đồng Nai cùng với TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên khu vực phát triển sôi động, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, hiện sự phát triển diễn ra nhanh chóng và chưa đồng đều giữa các ngành. Vì thế, khi làm công việc dự báo về lĩnh vực GT-VT cho tỉnh Đồng Nai, không thể áp dụng một phương pháp nhất định, mà tùy từng yêu cầu của từng nội dung cần dự báo để áp dụng phương pháp dự báo thích hợp, có sự kết hợp mọi yếu tố liên quan đến công việc tiến hành dự báo.

Trong báo cáo cuối kỳ đồ án quy hoạch tỉnh, liên danh đơn vị tư vấn đã sử dụng 2 phương pháp dự báo gồm: phương pháp dự báo theo tốc độ phát triển GRDP và kiểm tra bằng phương pháp bảng cân đối giữa sản xuất/tiêu thụ để đưa ra dự báo về nhu cầu vận tải trên địa bàn tỉnh thời gian tới, trong đó có vận tải đường bộ.

Theo đó, kết quả dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2021-2050 có sự tăng trưởng rất lớn. Cụ thể, đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ đạt mức hơn 138 triệu tấn, tăng hơn 85 triệu tấn so với thời điểm năm 2020. Đến năm 2050, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ đạt mức hơn 440 triệu tấn.

Đối với vận tải hành khách, đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ đạt gần 251 triệu hành khách, tăng khoảng 190 triệu hành khách so với năm 2020. Đến năm 2050, khối lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ đạt mức hơn 821 triệu hành khách.

* Nâng cấp hệ thống đường tỉnh, đường huyện

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có các tuyến đường cao tốc gồm: Phan Thiết - Dầu Giây, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh sẽ có 2 tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM đi qua.

Về hệ thống đường quốc lộ, trên địa bàn tỉnh sẽ quy hoạch 8 tuyến quốc lộ gồm: 1, 20, 51, 13C, 20B, 51C, 56 và 56B.

Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ GT-VT đã có văn bản cho ý kiến về việc đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 20B đoạn từ cảng hàng không quốc tế Long Thành đến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Do tuyến quốc lộ 20B được quy hoạch đi trùng tuyến với đường tỉnh 769E nên Bộ GT-VT đề nghị Đồng Nai căn cứ quy định để chủ động huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí nâng lên thành quốc lộ.

Đối với các tuyến đường tỉnh, định hướng quy hoạch đến năm 2030 sẽ nâng cấp các tuyến đạt tiêu chuẩn từ 2-4 làn xe. Một số tuyến trục chính định hướng phục vụ khu vực sân bay, đô thị sẽ được nâng lên 4-8 làn xe. Đồng thời, mở mới một số tuyến đường nhằm tăng cường kết nối các huyện, thị với nhau và tăng cường kết nối hệ thống giao thông của địa phương với cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hệ thống đường huyện đến năm 2050 sẽ được đầu tư nâng cấp với mặt đường tối thiểu đạt từ 2-4 làn xe cơ giới. Một số tuyến quan trọng sẽ được nâng cấp đạt 4-6 làn xe. Giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ nghiên cứu ưu tiên đầu tư các tuyến có tính chất kết nối quan trọng đối với địa phương.

Theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, đối với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, Sở GT-VT đã làm việc với đơn vị tư vấn để hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hợp lý với nhu cầu phát triển. Trong đó, với hệ thống quốc lộ đã thống nhất đề xuất bỏ tuyến quốc lộ 13C ra khỏi quy hoạch do tuyến đường này đi qua rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Về phân cấp quản lý, các tuyến đường tỉnh chỉ đi qua địa bàn 1 địa phương sẽ được đề xuất giao về địa phương quản lý. Đồng thời, Sở GT-VT đã rà soát, góp ý để đơn vị tư vấn quy hoạch kéo dài một số tuyến đường tỉnh nhằm đảm bảo nhu cầu kết nối.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, quy hoạch GT-VT, trong đó có quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ là một trong những quy hoạch rất quan trọng trong quy hoạch tỉnh. Do đó, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát kỹ nhu cầu vận tải cả về hành khách và hàng hóa, đưa ra dự báo hợp lý để quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó, cần tính toán kỹ nhu cầu kết nối giữa Đồng Nai với 2 vùng kinh tế Tây nguyên và Nam Trung bộ, bởi đây là 2 vùng kinh tế lớn và sắp tới sẽ phát triển nhanh khi các tuyến đường cao tốc, vành đai được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/quy-hoach-mang-luoi-duong-bo-dap-ung-nhu-cau-phat-trien-1144f4f/