Quy hoạch mạng lưới trường đại học: Sáp nhập hay lay lắt tồn tại?
Việc mở trường đại học ồ ạt tại các địa phương trong một thời gian dài mà không tính tới nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động, cơ cấu ngành nghề phù hợp đã bắt đầu đặt ra những bài toán khó cho cơ quan quản lí.
Thời gian qua, 136 viên chức và người lao động của Trường ĐH Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 đến hơn 7 tháng. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nợ lương đến từ công tác tuyển sinh. Số lượng giảng viên, người lao động lớn như hiện nay được nhà trường tuyển dụng vào thời điểm trường vẫn tuyển được lượng sinh viên lớn (có thời điểm 10.000 sinh viên). Nhưng hiện nay, trường chỉ có hơn 1.000 sinh viên, trong đó tới hơn 50% là sinh viên sư phạm (được miễn học phí)… nên nguồn thu sụt giảm.
Ghi nhận cho thấy các trường ĐH đóng đô tại các địa phương hiện nay đang gặp khó khăn khi tuyển sinh. Hệ lụy là trường không có kinh phí để hoạt động. Trường ĐH Hà Tĩnh năm 2021 tuyển sinh đạt gần 50% chỉ tiêu đề ra; năm 2022, chỉ đạt trên 24% so với chỉ tiêu.
Đầu năm 2023, tại buổi ký kết hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh và ĐH Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết nhà trường xây dựng đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động, muốn sáp nhập làm thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội sau năm 2027. Trước đó, Trường ĐH An Giang trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM sau một thời gian gặp khó khăn về kinh phí hoạt động.
Để cứu các trường ĐH và CĐ thoát khỏi cảnh khó khăn, Nghệ An vừa có chủ trương sáp nhập 3 trường công lập của tỉnh thành Trường ĐH Nghệ An gồm: Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An và Trường ĐH Kinh tế Nghệ An do tỉnh quản lý.
Năm 2014, Trường CĐ Kinh tế Nghệ An được nâng thành Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Tuy nhiên, việc tuyển sinh của trường cũng rất chật vật, có thời điểm mỗi năm chỉ tuyển được 150 sinh viên. Tương tự, 2 trường CĐ còn lại những năm qua cũng gặp khó trong việc tuyển sinh.
Tuy nhiên, việc sáp nhập này liệu có giúp các trường này trở thành trường ĐH tốt hay lại đi vẫn lay lắt tồn tại như một số trường của các tỉnh khác là điều mà chuyên gia đang lo ngại.
Nghệ An hiện có Trường ĐH Vinh đã đào tạo đa ngành từ nhiều năm qua, được đánh giá là trường có truyền thống và chất lượng tốt. Tuy nhiên, những năm qua, trường này cũng gặp khó khi tuyển sinh, chưa kể tại Nghệ An còn có các trường ĐH khác cũng đã có bề dày kinh nghiệm đào tạo.
Hệ thống yếu vì phân mảnh
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ GD&ĐT, hệ thống giáo dục ĐH hiện nay phát triển chưa đồng đều, còn rất nhiều trường ĐH có quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả; nhiều trường không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược mà nhà trường đã đặt ra.
Bộ GD&ĐT khẳng định thị trường giáo dục ĐH chưa được điều tiết ở tầm vĩ mô, nhiều trường ĐH chưa xác định rõ vai trò, vị trí; phần lớn chưa xác định được chiến lược phát triển nhà trường một cách rõ ràng; hệ thống giáo dục ĐH chưa được phân loại rõ; vai trò dẫn dắt của các ĐH quốc gia, ĐH vùng chưa rõ nét.
Mô hình quản lý của cơ quan nhà nước thiếu thống nhất và phân mảnh (trực thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương). Tồn tại sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch trong cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực nhà nước; hiệu quả đầu tư cho giáo dục ĐH chưa cao; động lực cạnh tranh trong hệ thống còn yếu.
Bộ GD&ĐT nhìn nhận các trường ĐH địa phương trong nhiều năm không có nhiều cải thiện về quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, hoạt động không hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ ĐH được đẩy mạnh. Hầu hết trường ĐH địa phương có quy mô nhỏ, đóng góp 6,3% tổng quy mô đào tạo trình độ ĐH của toàn hệ thống; chỉ có 3 trường có quy mô lớn hơn 10.000 sinh viên, trong khi đó có tới 8 trường có quy mô thấp hơn 2.000 sinh viên.
Trước các vấn đề của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay, khi xây dựng dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT chủ trương sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu; tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các trường. Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó có 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối.
Theo dự thảo Quy hoạch của Bộ GD&ĐT, củng cố, sắp xếp những trường ĐH không đạt chuẩn theo các phương án: tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục ĐH có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030; cơ bản không thành lập trường ĐH công lập mới.