Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội thiếu 2 chữ 'công lập' và hệ lụy không nhỏ
Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội năm 2012 đã liệt kê từng khu đô thị bắt buộc quy hoạch một khu đất xây trường học, nhưng lại 'quên' điền chữ 'công lập'.
Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, đã đến dự và phát biểu tại buổi Tọa đàm “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 11/2 vừa qua.
Video:Trẻ em Hà Nội phải đủ chỗ học, không chen chúc
Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền, chia sẻ: “Học viện Quản lý giáo dục là đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp của Hà Nội năm 2012, nên tôi cũng rất may mắn được tham gia vào việc này.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch thì có 2 mảng, thứ nhất quy hoạch về các xu hướng phát triển, là chúng tôi làm. Còn quy hoạch hệ thống trường lớp kỹ thuật thì do Viện Thiết kế quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện.
Tuy nhiên, (việc quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội cũng) phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch giáo dục. Ví dụ, đối với cấp mầm non phải theo tiêu chuẩn 50 chỗ học, cấp tiểu học là từ 65 đến 80 chỗ học, cấp trung học cơ sở từ 55 đến 70 chỗ học và cấp trung học phổ thông là 45 đến 60 chỗ học cho 1.000 dân.
Đặc biệt có một điểm rất quan trọng trong quy hoạch mạng lưới này là yêu cầu mỗi một phường phải có 1 trường mầm non,1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở công lập.
Những trường này đảm bảo cho con em các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp cũng có nơi để cho con đi học.
Nhưng hiện nay khái niệm dân cư trong một phường năm 2020 nó đã khác xa với năm 2012, thực tế số lượng dân cư đã tăng gấp đôi lên rồi.
Quy hoạch chung của Hà Nội dự kiến đến năm 2030 là 9,2 triệu dân, nhưng năm 2019 thì dân số Hà Nội đã hơn 8 triệu, và đến bây giờ thì tôi e con số đó đã đạt 9 triệu rồi, có nghĩa là bằng dân số dự báo của năm 2030.
Như vậy quy hoạch cũ dù vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn, nhưng vì chúng ta không hình dung và dự báo được dân cư đô thị nhập vào, cũng như số lượng các tòa chung cư mới mọc nhanh đến thế.
Trước kia chúng tôi cũng đã liệt kê từng khu đô thị, khu này có bao nhiêu hộ dân và bắt buộc phải quy hoạch 1 khu đất phù hợp để xây dựng trường, nhưng mà tiếc rằng lại không điền chữ công lập vào khu đất xây trường đó, đây quả thật là sai sót.
Ở các khu đô thị hiện nay thì các trường tư thục có thể phát triển rất mạnh, vì nhu cầu nhân dân với nhiều tầng lớp và họ có nguyện vọng được học ở trường có chất lượng giáo dục cao.
Nhưng đối với đại đa số những người dân lao động thì chúng tôi chỉ tính 2 vợ chồng với thu nhập 10 triệu đồng 1 tháng, nếu họ phải đi thuê nhà thì đã mất tối thiểu 3 triệu đồng, tiền học ở trường tư thục cho 1 con ở mức thấp nhất cũng phải 5 triệu đồng thì họ không còn gì để sống nữa.
Như vậy đối với các cấp học phổ cập thì nhà nước phải đảm bảo đủ trường công lập ở các khu đô thị. Phải kiến nghị khi sửa đổi quy hoạch là mỗi một khu đô thị thì nhà nước phải đảm bảo 1 trường công lập đủ chỗ học.
Ngoài ra có thể xây các trường tư thục, nhưng phải đảm bảo để các tầng lớp nhân dân đến sinh sống khu đô thị đó có chỗ cho con em họ học công lập miễn phí ở các bậc học phổ cập.
Phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và Hà Nội phải đi đầu trong việc này.
Không thể để các trường như ở khu Linh Đàm… Tiểu học Chu Văn An ở quận Hoàng Mai có tới 70 cháu 1 lớp, và 1 tuần các cháu phải nghỉ học luân phiên 1 buổi, thậm chí tập thể dục cũng luân phiên.
Tôi thấy hiện nay chưa đảm bảo được quy hoạch 2012 thì đã là một vấn đề, bên cạnh việc đảm bảo mỗi một phường xã có 1 trường mầm non, tiểu học công lập, như vậy cũng tính đến phải xây dựng trường công lập ở các khu đô thị”.