Quy hoạch, phát triển năng lượng tái tạo: Bộ Công Thương lắng nghe với tinh thần cầu thị

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng ban hành các quyết định về quy hoạch, phát triển ngành năng lượng nói chung, đặc biệt là năng lượng tái tạo và lĩnh vực điện nói chung, thời gian qua, Bộ Công Thương đã luôn cố gắng thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ vì lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân với tinh thần cầu thị.

Đảm bảo tính công khai minh bạch và hiệu quả trong các dự án điện mặt trời

Đảm bảo tính công khai minh bạch và hiệu quả trong các dự án điện mặt trời

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015. Trong đó nêu rõ mục tiêu: Sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời tăng từ khoảng 10 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 1,4 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 210 tỷ kWh vào năm 2050. (tương ứng 0,5% - 6% - 20%).

Còn trong Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, có đề ra mục tiêu: Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, Khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.

Trong cả Chiến lược và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương đều được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách giá điện đảm bảo khuyến khích đầu tư nhưng cũng hài hòa lợi ích của Nhà nước – doanh nghiệp đầu tư theo từng giai đoạn.

Đối với việc quy hoạch các dự án điện nói chung và dự án điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…), Bộ Công Thương có trách nhiệm “Giám sát chặt chẽ tình hình cung - cầu điện, tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện để quyết định Điều chỉnh tiến độ các dự án trong quy hoạch được duyệt hoặc xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các dự án mới vào quy hoạch hoặc loại bỏ các dự án không cần thiết ra khỏi quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn”. Còn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tổ chức lập quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Bám sát chủ trương, quyết định về phát triển điện mặt trời, năm 2017, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (có hiệu lực trong 2 năm), cùng với đó là các văn bản hướng dẫn triển khai.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương cũng đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cập nhật, nắm bắt tình hình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thường xuyên báo cáo Chính phủ và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng.

Trên thực tế, nhờ có chính sách khuyến khích, số lượng dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư đã tăng vọt. Tính đến cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã nhận được các đề xuất bổ sung quy hoạch của Ủy ban nhân dân các tỉnh: tổng số 360 dự án điện mặt trời đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất khoảng 24.000 MW; đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW. Và tính đến ngày 30/6/2019, công suất điện mặt trời đã đạt khoảng trên 4.500 MW.

Đối với việc cấp phép đầu tư, Bộ Công Thương và ngành điện cũng lường trước những khó khăn về việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời vì thời gian thi công các dự án điện mặt trời chỉ khoảng hơn 1 năm, trong khi đó các dự án truyền tải thường kéo dài từ trên 2 năm trở lên với điều kiện thuận lợi về mặt bằng. Mặc dù đã có cảnh báo các nhà đầu tư, nhưng khi doanh nghiệp triển khai thực hiện, bằng nhiều hình thức khác nhau, Bộ Công Thương và ngành điện đã chủ động làm việc với địa phương tháo gỡ khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện. Những khó khăn, vướng mắc, Bộ Công Thương cũng thường xuyên báo cáo Chính phủ.

Để đảm bảo tính công khai minh bạch trong công tác quy hoạch, cấp phép đầu tư các dự án điện mặt trời, căn cứ chính sách khuyến khích của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng các tiêu chí cụ thể (tiềm năng, sự phù hợp, kế hoạch và hiệu quả sử dụng đất, sự thuận lợi đấu nối, giải tỏa công suất, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà đầu tư…) phục vụ công tác thẩm định phê duyệt theo thẩm quyền khi có đề xuất của UBND các tỉnh. Đây cũng là lý do đến nay mới có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW hoàn thành và dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ có thêm khoảng 13 dự án nữa hoàn thành.

Nêu ra như vậy để thấy rằng, nếu không có sự cân nhắc đến tình trạng lưới điện, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm soát, cấp phép ồ ạt thì chắc chắn rằng số dự án điện mặt trời được xây dựng và vận hành sẽ còn nhiều hơn, khó khăn trong giải tỏa công suất còn cao hơn hiện tại.

Ông Chu Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc Công ty Hà Đô (doanh nghiệp đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo) cho biết, ông đánh giá cao về những cơ chế, chính sách do Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ. Nhờ đó doanh nghiệp đã tích cực đầu tư. Đối với việc quá tải lưới truyền tải, dẫn đến không thể huy động hết công suất, doanh nghiệp đã được cảnh báo trước và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện. Việc tháo gỡ khó khăn đối với năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời là trách nhiệm chung của cả hệ thống, Bộ Công Thương chỉ là cơ quan quản lý chuyên ngành nên việc xem xét trách nhiệm cần hết sức khách quan, không thể đổ lỗi hết cho Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp rà soát các dự án trọng điểm ngay sau khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp rà soát các dự án trọng điểm ngay sau khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Với tinh thần cầu thị, tại phiên trả lời chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại chưa làm được và nhận trách nhiệm về mình. Đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển điện mặt trời, điện năng lượng tái tạo nói riêng và hệ thống điện Việt Nam nói chung một cách hiệu quả, bền vững.

Ngay sau phiên chất vấn, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhằm cập nhật, rà soát, đánh giá tình hình triển khai các dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quy hoạch điện VII cũng như điện mặt trời; nghiên cứu, tính toán dự báo nhu cầu điện để xây dựng các phương án, kịch bản cung ứng điện cho đất nước từng năm và từng giai đoạn; tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch điện VIII…

Về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu ra trong Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu các dự án mới sau năm 2020, sẽ không áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho biết, đang nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Đơn vị tư vấn quốc tế của WB là Baker Mackenzi và PwC đã hoàn thành 02 báo cáo về lộ trình thực hiện đấu thầu và cơ chế đấu thầu dựa trên nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cũng như ý kiến đóng góp từ các tổ chức quốc tế. Bộ Công Thương đang nghiên cứu các đề xuất này xem có phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam không, có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định pháp lý không, khả năng áp dụng thực tế tại Việt Nam... để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Có thể khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng ban hành các quyết định về quy hoạch, phát triển ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực điện nói chung, thời gian qua, Bộ Công Thương đã luôn cố gắng thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ vì lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân với tinh thần lắng nghe, sẵn sàng điều chỉnh khi có những ý kiến đóng góp chính xác từ các phía.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-hoach-phat-trien-nang-luong-tai-tao-bo-cong-thuong-lang-nghe-voi-tinh-than-cau-thi-128749.html