Quy hoạch tạo động lực phát triển kinh tế

ĐBP - Hiện nay nhiều quy hoạch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được lập, phê duyệt, trong đó có quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng các vùng huyện và liên huyện; quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

TX. Mường Lay là một trong những đô thị có tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết cao nhất tỉnh (đạt 58,9%). Trong ảnh: Một góc phường Sông Ðà, TX. Mường Lay. Ảnh: Phong Vân

Những năm qua, công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến. Ðến nay, các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã được lập và phê duyệt quy hoạch chung hoặc điều chỉnh quy hoạch chung. Qua đó, đã khai thác được các tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Các đô thị được lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cũng từng bước được triển khai là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang, phát triển đô thị; quản lý trật tự xây dựng đô thị, nông thôn; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều quy hoạch của tỉnh chưa được triển khai lập, thực hiện hoặc thực hiện chậm. Ðiển hình như quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ðiện Biên từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình thực hiện. Quy hoạch tỉnh có vai trò quan trọng, nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn; kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ðó cũng là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Ðồng thời, sẽ là cơ sở để thực hiện các khâu đột phá phát triển có tính chiến lược của tỉnh, là căn cứ để xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; cung cấp cho các nhà đầu tư và nhân dân những thông tin cần thiết về các tiềm năng, cơ hội đầu tư và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.

Ðối với các quy hoạch phân khu chức năng, do đặc thù tỉnh miền núi, giao thông khó khăn nên khó hình thành các khu công nghiệp, chủ yếu là lập các quy hoạch chi tiết cho các cụm công nghiệp và các khu du lịch. Cụ thể gồm Cụm công nghiệp phía Ðông huyện Tuần Giáo; Cụm công nghiệp Na Hai, huyện Ðiện Biên; Khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm; Khu du lịch sinh thái kết hợp trồng rừng đèo Pha Ðin huyện Tuần Giáo; quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Pá Khoang - Ðiện Biên. Tuy nhiên, trong số các quy hoạch phân khu chức năng, hiện nay tỉnh mới chỉ tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Pá Khoang - Ðiện Biên; còn lại các quy hoạch khác chưa được thực hiện. Các quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa thực hiện được do nguồn ngân sách của tỉnh hạn chế. Ðối với quy hoạch xây dựng vùng huyện, các huyện cũng chưa triển khai tổ chức lập quy hoạch.

Nếu như với các quy hoạch tỉnh, vùng huyện hiện nay chưa thực hiện được thì đối với quy hoạch chi tiết của 10 đô thị trên địa bàn tỉnh, dù đã được phê duyệt, nhưng tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung của các đô thị còn rất thấp. Hiện nay, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết của các đô thị toàn tỉnh trung bình mới đạt 42,32%. Trong đó huyện Tủa Chùa đạt 48,67%; Ðiện Biên Ðông 59,6%; Ðiện Biên 56,6%; Mường Ảng 35,9%; Mường Chà 57,8%; TX. Mường Lay 58,9%; Mường Nhé 25%; Nậm Pồ 30%; Tuần Giáo 28,25% và TP. Ðiện Biên Phủ 29,2%.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Xây dựng), tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết thấp là do các đô thị thuộc tỉnh mang đặc tính đô thị miền núi, địa hình phức tạp, việc lập quy hoạch chi tiết phải kèm theo đảm bảo đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, đồng nghĩa với tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết càng cao thì nguồn vốn đầu tư càng lớn. Trong khi Ðiện Biên là tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư cho phát triển đô thị còn hết sức khó khăn. Cùng với đó, xuất phát từ hiện trạng địa hình đô thị có độ dốc lớn nên việc lập quy hoạch chi tiết tại các khu vực này để phát triển đô thị hoặc là công cụ quản lý Nhà nước về quy hoạch không có tính khả thi (do khối lượng san gạt lớn dẫn đến đơn giá cao, suất đầu tư lớn, khả năng huy động vốn và sự đóng góp của nhân dân hạn chế). Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tại cấp huyện còn chậm và nhiều lúng túng do làm sai quy trình và không đúng quy định nên phải thường xuyên hướng dẫn làm lại; chất lượng đồ án quy hoạch khi trình xin ý kiến thống nhất trước khi phê duyệt chưa cao (ví dụ như các nội dung về: Ðịnh hướng quy hoạch không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đô thị… không phù hợp với tình hình phát triển đô thị, không sát thực tế hoặc không đảm bảo về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch) dẫn đến phải làm đi làm lại nhiều lần.

Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183160/quy-hoach-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te