Quy hoạch Thủ đô - Tầm nhìn và khát vọng
Đó là ý kiến tham luận của PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tại Hội thảo 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050' diễn ra sáng 21/11 do Thành ủy Hà Nội cùng Tạp chí Cộng sản tổ chức.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Hiện nay, Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển Thủ đô.
Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị xác định: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh. Đây chính là tầm nhìn cho quy hoạch Thủ đô trong vài chục năm tới.
Qua đó, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà đã có những đề xuất, giải pháp về tầm nhìn và khát vọng quy hoạch Thủ đô:
Thứ nhất, về địa - thế: Tuân thủ nhận thức/quan điểm/triết lý xưa: lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng. Địa giới Hà Nội đã vượt sông Hồng từ trên một thế kỷ trước (1903) và một thế kỷ sau đó đã có đơn vị hành chính đô thị là quận (2004), nay có thêm một số quận, nhưng về “thế” vẫn cần xác định mặt hướng sông và là sông Hồng. Điều này sẽ liên quan đến quy định về chức năng, vai trò, xu hướng phát triển của khu vực tả ngạn sông Hồng.
Song, việc lấy sông Hồng làm mặt tiền, thế hướng sông Hồng, không cản tầm nhìn của chúng ta đối với việc quy hoạch Thủ đô và xác định hướng phát triển của Vùng Thủ đô vươn tới biển. Với cự ly chưa đầy 100km đường chim bay, Bắc Ninh thành TP trực thuộc Trung ương, thị xã ở khu vực Bắc Hưng Yên, TP Hải Dương, TP Hải Phòng,... cho phép chúng ta nghĩ đến chuyện đó trong tương lai gần. Và trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.
Thứ 2, về trục phát triển: Quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán về trục phát triển sông Hồng: về tâm linh, về môi trường, về giao thông, về cây xanh, về mật độ xây dựng và kiến trúc, về văn hóa... Trong số các trục phát triển của Hà Nội thì trục sông Hồng có tính kết nối cao, rộng nhất, trên nhiều phương diện. Từ trục phát triển sông Hồng, quy hoạch chi tiết của các quận huyện sẽ lưu ý thêm tới những chi lưu của sông Hồng (sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống ở tả ngạn; sông Đáy (sông Hát), sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở hữu ngạn).
Thứ 3, về tương quan giữa các thành tố phát triển. Dù trong những nghị quyết gần đây, yếu tố kinh tế ngày càng được nhấn mạnh, dần đưa lên hàng đầu (trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế - Nghị quyết 15), thì trong quy hoạch Thủ đô vẫn cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. Quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Thứ 4, về hành chính, cơ chế đặc thù: Nên tham khảo cách tiếp cận theo kiểu tứ trấn xưa. Lúc đó kinh thành thể hiện rất rõ vị trí trung tâm, được đặt ngang với trấn (chứ không phải là tỉnh). Nếu vậy cần tiếp cận theo Vùng Thủ đô chứ không phải là một cấp hành chính như/tương đương tỉnh.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-hoach-thu-do-tam-nhin-va-khat-vong-360834.html