Quy hoạch Thủ đô: Văn hóa là nền tảng và động lực phát triển
Trong kết luận 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị kiên định quan điểm 'văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô'.
Công nghiệp văn hóa chính là khâu đột phá trong phát triển văn hóa
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu lập là 1 trong 3 nội dung quan trọng mà Thành phố tập trung quyết liệt trong năm 2023 (cùng với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Trước đó, các dự thảo khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định, đều nhằm triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị với tầm nhìn dài hạn và khát vọng phát triển trong tương lai, thể hiện“ước mơ xa, nghĩ lớn, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt” của Thủ đô.
Ngày 24/5, Ban Chấp hành Trung ương đã có văn bản số 80-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Đồng thời, lưu ý nhấn mạnh một số nội dung.
Trong đó, kết luận của Bộ Chính trị kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”. Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử; là vùng đất có bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Thấy rõ được tính đặc thù riêng có của Hà Nội, từ đó, làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, chiến lược của Thành phố là phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản bai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước…
Liên quan đến vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa trong Quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Chúng ta phải nhấn mạnh là công nghiệp văn hóa có hệ số lan tỏa, tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực của Thủ đô và đất nước. Công nghiệp văn hóa chính là khâu đột phá trong phát triển văn hóa. Khi chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô tức là được hiểu văn hóa đã trở thành một tài sản, nguồn lực to lớn của Hà Nội. Khi văn hóa phát triển thì các lĩnh vực khác cũng sẽ phát triển và có lợi ích như chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ...
Ví như, giáo dục chẳng hạn, nếu chúng ta làm tốt công tác phát huy giá trị di tích, chúng ta không chỉ lan tỏa những giá trị của di sản đến nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, mà thông qua hiểu biết tốt hơn về lịch sử đó, chúng ta sẽ khợi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ. Khi họ hiểu lịch sử Hà Nội thì họ sẽ thêm yêu mảnh đất, con người văn hóa Thủ đô và từ đó sẽ mong muốn phát triển quê hương, đất nước. Nó giống như một vòng xoáy hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Hay việc phát triển công nghiệp văn hóa cũng sẽ bảo đảm gắn kết được văn hóa và kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thời trang, du lịch... Phát triển công nghiệp văn hóa cũng bảo đảm được câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nhiều ngành, lĩnh vực...”
“Đòn bẩy” phát triển kinh tế đêm của Thủ đô
Ngoài ra, trong chiến lược phát triển của mình, thành phố Hà Nội cũng từng bước trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực về đêm của người dân và du khách với những sản phẩm, dịch vụ mang tính biểu tượng, khác biệt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Trong đó, khu vực nội đô là mô hình kinh tế đêm hướng đến khai thác các không gian văn hóa - lịch sử; lựa chọn một số khu vực phát triển đô thị mới, khu vực đặc sắc ngoại thành của Hà Nội để phát triển mô hình kinh tế đêm hướng đến các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ thời đại, phù hợp với giới trẻ và quốc tế… Nhất là khai thác lợi thế thành phố sông, hồ, đặc biệt sông Hồng, tạo nên những khu vực đặc sắc khu sông Hồng để phát triển các mô hình kinh tế đêm.
Điểm sáng trong du lịch đêm của Hà Nội là khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu Phố cổ Hà Nội với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị đặc sắc, hấp dẫn. Hồ Hoàn Kiếm nằm trong lòng Thủ đô với ba biểu tượng nổi tiếng là Tháp Rùa, Đài Nghiên và Tháp Bút đã trở thành biểu tượng cho nền văn hóa lâu đời của đất nước. Nơi đây không chỉ là một dấu ấn tiêu biểu của lịch sử lâu đời và văn hóa Thủ đô, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc sắc về đêm, thu hút lượng khách du lịch đông đảo trên cả nước.
Đáng chú ý, Hoàn Kiếm cũng là quận đầu tiên trên địa bàn Thành phố ban hành Nghị quyết số 120 ngày 20/6/2023 về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Trước đó, từ năm 2004, kinh tế ban đêm đã được hình thành tại quận Hoàn Kiếm với các loại hình như: Chợ đêm Đồng Xuân, các không gian đi bộ khu Phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ, Tạ Hiện… Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, một số hoạt động đêm đã trở thành lực hút đối với du khách mỗi khi tới Hoàn Kiếm. Các hoạt động tại các không gian công cộng của quận Hoàn Kiếm đã phát huy lợi thế của lịch sử và di sản đô thị.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, để bảo tồn phát huy giá trị của các di sản văn hóa, quận đã dành nguồn lực giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo 22 di tích; bảo tồn 24 nhà ở có giá trị; các di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy, khôi phục 14 lễ hội truyền thống; hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ ngầm toàn bộ đường dây, cải tạo các đường thoát nước, hạ ngầm đường cáp đi nổi trên 79 tuyến phố trong khu Phố cổ; chỉnh trang mặt đứng 50 tuyến phố...
Bên cạnh đó, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu Phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ đã trở thành nơi quảng bá về di sản văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống gắn với các làng nghề như: Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Phả Trúc Lâm, đình Hoa Lộc Thị, đình Lò Rèn, đình Đồng Lạc, đình Nam Hương, đền Quan Đế, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật - 22 Hàng Buồm... Sau khi hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2013, ngày 1/9/2016 khu vực này được triển khai là không gian đi bộ. Năm 2019, được cải tạo hạ tầng kỹ thuật kè hồ, hạ ngầm đường dây và cải tạo hạ tầng kỹ thuật.
Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát huy hiệu quả giá trị các di sản, không gian văn hóa, phát triển kinh tế đêm, phát triển du lịch trên địa bàn quận, số lượt khách lưu trú qua đêm tăng nhanh. Kết quả, năm 2021 là 625.604 lượt, năm 2022 là 996.039 lượt và ước năm 2023 là 1,6 triệu lượt khách trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống năm 2021 là 1.571 tỷ; năm 2022 là 3.122 tỷ; ước năm 2023 khoảng 6.012 tỷ. Doanh thu ngành Du lịch tăng từ 189 tỷ năm 2021 lến 896 tỷ năm 2022 và năm 2023 ước đạt 3.975 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục thực hiện các dự án chỉnh trang không gian công cộng, các tuyến đường, vườn hoa, các dự án phát triển không gian sáng tạo; tổ chức giao thông phù hợp; phương án tổ chức hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch; nâng cao hơn nữa chất lượng biểu diễn nghệ thuật; huy động các nguồn lực xã hội...
Với không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu Phố cổ Hà Nội đang tiếp tục được hoàn chỉnh, quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu để mở rộng các không gian đi bộ tại địa bàn như: Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Nhà hát lớn - phố Tràng Tiền, quảng trường phía trước nhà Thờ lớn tiếp tục sẽ là những dự án quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch đêm và kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh, quốc phòng của quận Hoàn Kiếm và Thủ đô.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Phạm Hương Giang kỳ vọng, phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung để phát triển sản phẩm du lịch đêm đa dạng, đặc sắc, mang lại cho người dân Thủ đô và du khách những không gian văn hóa sáng tạo, những sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố. Theo đó, phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 25,5 triệu lượt khách, tăng 13,3% so với ước năm 2023, trong đó gồm 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng.