Quy hoạch Thủ đô xác định 5 không gian phát triển

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, hoạt động kinh tế - xã hội của Hà Nội được xác định tổ chức theo mô hình 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội một bước cụ thể hóa theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, được tổ chức nghiên cứu lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, tạo những tiền đề và điều kiện cùng cả nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quy hoạch được nghiên cứu, xây dựng dựa trên các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh và hiện đại, với triết lý phát triển: “Phát sáng nhân tài; Khai phóng trí tuệ; Lan tỏa nhân văn; Hòa điệu thiên nhiên; Tiến cùng thời đại”. Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là “con người là trung tâm của sự phát triển”, với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: “Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu - thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội gồm 5 quan điểm phát triển chung, 3 quan điểm về tổ chức không gian nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược năm 2030 và 2050.

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc. Cùng với đó là 21 chỉ tiêu bao quát toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường…

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh – thông minh – thanh bình – thịnh vượng, xứng tầm dại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Để thực hiện được mục tiêu, Quy hoạch Thủ đô xác định năm nhiệm vụ trọng tâm và bốn khâu đột phá phát triển của Hà Nội.

Cụ thể, năm nhiệm vụ trọng tâm là: bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bốn khâu đột phá phát triển của Thủ đô gồm: thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan.

Các phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội trong Quy hoạch Thủ đô được nghiên cứu, xác định theo mô hình: Năm không gian phát triển - Năm hành lang và vành đai kinh tế - Năm trục động lực phát triển - Năm vùng kinh tế, xã hội - Năm vùng đô thị.

Theo đó, 5 không gian phát triển: Khai thác, sử dụng đồng bộ, hiệu quả và hợp lý không gian trên cao; không gian ngầm dưới mặt đất; không gian công cộng; không gian văn hóa - sáng tạo; không gian số.

Năm hành lang và vành đai kinh tế: Các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, gồm hành lang phía Bắc Thủ đô hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Đông Bắc Thủ đô gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Tây - Bắc gắn với hành lang kinh tế tỉnh Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; vành đai kinh tế vùng Thủ đô: Hình thành dọc theo các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô.

Năm trục động lực: trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục phía Nam.

Năm vùng kinh tế - xã hội: vùng Trung tâm; vùng phía Đông; vùng phía Nam; vùng phía Tây; vùng phía Bắc.

Năm vùng đô thị: vùng đô thị Trung tâm; vùng thành phố phía Tây; vùng thành phố phía Bắc; vùng đô thị phía Nam; vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-hoach-thu-do-xac-dinh-5-khong-gian-phat-trien.htm