Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp trên 50% sản lượng gạo cho quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.
Trước thách thức của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với 5 nhóm giải pháp lớn, trong đó có giải pháp Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL. Bắt tay ngay vào việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn vùng để xây dựng kịch bản phát triển ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng, địa phương cần hợp tác, lồng ghép các chương trình phát triển KT-XH vào mục tiêu trên, trong đó cần tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn. Cụ thể, cần quy hoạch lại vùng ĐBSCL, cần đánh giá một cách tổng thể để khai thác hết tiềm năng và lợi thế của vùng. Các địa phương cần liên kết, hợp tác, hỗ trợ để tránh được các thách thức và tận dụng hết các cơ hội và tiềm năng. Về lâu dài cần có một bức tranh tổng thể cho vùng để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất trong phát triển.
Tổng vốn đầu tư cho ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 từ 17-18% tổng nguồn vốn đầu tư cho các vùng; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 18%. Trong thời gian tới, ĐBSCL cần có nguồn lực đầu tư nhiều hơn để giải quyết những vấn đề căn cơ, cốt lõi liên quan đến hạ tầng cơ bản, vì đây là vùng có ý nghĩa chiến lược trong nông nghiệp, an ninh lương thực, xuất khẩu thủy sản, trái cây… và quan trọng nhất là vùng đang đối mặt với thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở…). Trong 5 năm tới, để giải quyết những vấn đề trên, ĐBSCL cần nguồn vốn khoảng 1 tỷ USD để đầu tư phát triển bển vững.
Trước mắt, dự kiến tháng 6-2020, Bộ KH&ĐT sẽ ban hành và gửi khung định hướng phát triển ĐBSCL cho các địa phương. Bộ khung này sẽ hỗ trợ tích cực cho các tỉnh trong việc đưa ra những lựa chọn, những tiêu chí để chọn các dự án ưu tiên đầu tư khẩn cấp, quan trọng tạo nên sự bứt phá cho vùng.
Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hơn bao giờ hết, đây là lúc cần phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư mang lại hiệu quả cao, có tác động lan tỏa và lâu dài. Một cơ chế phối hợp vùng hiệu quả sẽ mang lại tác dụng chuyển đổi và một thể chế tốt cần phải có một quy hoạch tốt.
“Khi xây dựng quy hoạch cần lưu ý đến tính đặc thù riêng của từng vùng, ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy phối hợp và xác định vai trò trách nhiệm của các bên liên quan. Quy hoạch vùng sẽ là cơ chế để các quy hoạch của các địa phương định hướng đầu tư. Điều này đòi hỏi có sự chủ động tham gia của các bộ, ngành, các bên liên quan để cung cấp dữ liệu, thực hiện phân tích, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm làm căn cứ xây dựng quy hoạch”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.